Sáng 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Huy động vốn giảm, tỷ giá tăng

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Tuy nhiên, đến 23/4, huy động vốn giảm 0,52% so với cuối 2023. Trong đó huy động tiền đồng giảm 0,08% và ngoại tệ giảm 6,26%. Đây là chỉ số cho thấy người dân, doanh nghiệp đang giảm gửi tiền vào ngân hàng, và chuyển sang các kênh đầu tư khác hiệu suất sinh lời tốt hơn là gửi tiết kiệm.

Sau nhiều tháng âm, tín dụng tháng 4 tiếp tục dương so với cuối năm ngoái, với mức tăng 1,6%. Trong đó, tăng trưởng tín dụng VND tăng 1,53%, còn ngoại tệ tăng 3,37%.

Trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu để hỗ trợ tỷ giá. “Tỷ giá được điều hành linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm để can thiệp thị trường trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng. Đây là biện pháp can thiệp nhằm giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ thông suốt.

So với năm ngoái, hiện tỷ giá liên ngân hàng đã tăng khoảng 4,86%. Còn tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tăng 4,37-4,56% so với cuối 2023.

Lý giải nguyên nhân tỷ giá tăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chủ yếu do thị trường kỳ vọng Fed trì hoãn hạ lãi suất điều hành, đồng USD thế giới tăng và duy trì ở mức cao. Cùng đó, chênh lệch giữa lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm (lãi suất VND thấp hơn USD). Ngoài ra, nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn phục vụ nhập khẩu nguyên vật liệu.

Về cơ cấu các tổ chức tín dụng, theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay 20 ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính vi mô, Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng nước ngoài, 4 công ty tài chính, 3 công ty cho thuê tài chính đã hoàn thành phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Cạnh đó, đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu. Bởi đến cuối tháng 2, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,92% - cao hơn mục tiêu kiểm soát dưới 3%. Trong tháng 2, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 36,39 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Đề cập tới thị trường vàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, chỉ số giá vàng tháng 4 trong nước tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12/2023. Mức này cũng tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.

Kiểm soát chặt lạm phát

Theo nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế đứng trước nhiều áp lực, thách thức lớn về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.

“Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, nhưng dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trước những biến động của tình hình của thế giới, khu vực”, báo cáo nêu.

Tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.

Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm, cầu tiêu dùng trong nước 4 tháng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019.

Trong khi, thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng; quản lý thị trường vàng còn bất cập…

“Nhìn chung, áp lực lạm phát từ phía cầu (yếu tố tiền tệ) là không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung (chi phí sản xuất). Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Ngoài ra, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; việc nắm bắt diễn biến tình hình, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa thực sự kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Trước những dự báo còn khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nhiều giải pháp. Trong đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... 

Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập trung thảo luận, đánh giá sát tình hình thời gian qua, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chất căn cơ, lâu dài, vừa có giải pháp tình thế, trước mắt.

Tinh thần là có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, người đứng đầu Chính phủ quán triệt.

Thủ tướng gợi mở một số bài học kinh nghiệm, như bám sát tình hình để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Hương Giang