Dự kiến hai bảo vật quốc gia này sẽ được trao di sản văn hóa tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, diễn ra từ ngày 27 - 29/9 tại TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Hiện bia Phước Thiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, còn tượng thờ vua Pô Klong Garai đang thờ tại tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Bia Phước Thiện được phát hiện ở một cánh đồng

Ngày 17/9, ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, cho biết theo tài liệu, vào năm 1992, người dân đã phát hiện một tấm bia làm bằng đá sa thạch có hình dạng lá đề tại một cánh đồng ở thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn (huyện Ninh Phước) có niên đại từ cuối thế kỷ thứ VIII.

Qua nghiên cứu đây là một hiện vật quý, góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử Champa nói chung, gợi mở về lịch sử xứ Panduranga.

Theo ông Lợi, văn bia Phước Thiện có những đoạn viết quan trọng liên quan đến đời sống xã hội, tôn giáo và việc xây dựng đền tháp ở Panduranga trong những thế kỷ VIII - IX.

leftcenterrightdel
 Bia Phước Thiện hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Khoa Lê

Văn khắc Chăm thời kỳ đầu, ngôn ngữ biểu đạt luôn luôn là tiếng Phạn (Sancrit), khởi nguồn từ Ấn Độ. Bia được làm bằng đá sa thạch cao, cao là 93,2 cm, thân bia để khắc chữ có chiều cao là 78,8 cm.

Gắn với thân bia là phần khớp mộng dạng khối hộp chữ nhật thót đáy để cắm vào bia là 14,4 cm (bị tróc đôi chút), bề dày bia là 12,1cm. Bia có dạng mũi lá đề, điểm lượn tròn rộng nhất của hình lá đề là 44,5cm và hơi thon xuống dưới.

Trên 2 mặt của bia Phước Thiện có khắc chữ Sanscrit. Các mặt của tấm bia đặt tên với kí hiệu như sau mặt chính (mặt trước) của bia được gọi là mặt A, mặt sau lưng là mặt B.

Nội dung văn bản ghi trên bia được các nhà nghiên cứu về khảo cổ học và ngôn ngữ học xác định đã được khắc vào thời kỳ của Satyavarman, niên đại 705 thuộc kỷ nguyên Saka (năm 783 sau Công nguyên), khoảng cuối thế kỷ VIII. Về hình dạng ký tự là kiểu chữ cổ cùng một người khắc.

Chữ viết được khắc rất tinh xảo và bao gồm các họa tiết trang trí xuyên suốt, chữ viết trang trí công phu này là duy nhất trong kho văn bản Champa.

Tượng thờ vua Pô Klong Garai tượng trưng cho sự huyền ảo

Tượng thờ vua Pô Klong Garai có niên đại từ thế kỷ XVI - XVII, hiện thờ tại tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Tượng thờ vua Pô Klong Garai là tác phẩm điêu khắc cổ quý hiếm, thể hiện hình ảnh Thần - Vua rất đặc biệt trong nghệ thuật cổ Champa.

leftcenterrightdel
Tượng thờ vua Pô Klong Garai đang thờ tại tháp Pô Klong Garai. Ảnh: Khoa Lê 

Tác phẩm được tạo tác thành một phù điêu bán tượng tròn nổi trên một trụ đá hình tròn, được đục, chạm trổ cẩn trọng, khéo léo trên chất liệu đá thể hiện tính mỹ thuật cao, tay nghề tinh mỹ và cũng thật độc đáo về hình tượng Mukhalinga nhưng không có đầu thần Shiva mà thay vào đó là tượng vua gắn vào Linga - một hình ảnh trừu tượng của một vị thần tối cao là thần Shiva tượng trưng cho sự hủy diệt, huyền ảo, uy quyền và bất diệt, cùng hình ảnh vị vua oai nghiêm đầy sáng tạo trong điều hành đất nước và chăm lo cho hạnh phúc của muôn dân.

Đó sự kết hợp phong cách độc đáo giữa tinh thần tôn giáo Ấn Độ và tư duy tín ngưỡng bản địa, thể hiện vương quyền và thần quyền nhất thể.

Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận có 4 bảo vật quốc gia gồm bia Phước Thiện; tượng thờ vua Pô Klong Garai; phù điêu vua Po Rome và bia Hòa Lai.

Khoa Lê