Theo thông tin từ ban tổ chức, ngày 29/6, sẽ diễn ra hoạt động diễu hành “Đạp xe vì hòa bình”. Ngày hội thu hút khoảng 800 người tham gia, gồm vận động viên (VĐV), người dân, đoàn viên, thanh niên… Theo đó, đoàn sẽ tham gia đạp diễu hành khoảng 3km đầu. Riêng đối với khoảng 300 VĐV sẽ đạp quãng đường 42km, xuất phát từ bờ bắc Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh) đến Nghĩa trang lịch sử Quốc gia Trường Sơn (huyện Gio Linh) và kết thúc tại Công viên Fidel (TP Đông Hà).

Vào ngày 30/6, giải đạp xe “Điểm đến Hoà Bình” cũng sẽ khai mạc tại di tích Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị). Trong đó, những VĐV đã tham gia diễu hành ngày 29/6 mới đủ điều kiện thi đấu tại giải này. Giải sẽ có 3 nội dung thi đấu của 3 lứa tuổi nam (18 - 39 tuổi, 40 - 50 tuổi và từ 51 tuổi trở lên) với cùng cự ly 30km. Ở giải nữ, VĐV không quy định độ tuổi thi đấu với cự ly 20km. Các VĐV sẽ đạp xe vòng quanh Thành cổ Quảng Trị (mỗi vòng dài hơn 2km).

Dù chỉ là giải xe đạp phong trào nhưng ban tổ chức sẽ sử dụng hệ thống tính giờ điện tử, công nghệ cao nhằm đảm bảo tính công bằng cho giải và đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam có 1 giải đua xe đạp có hệ thống tính giờ điện tử.

Ngày hội đạp xe vì hòa bình là sự kiện mở đầu cho các hoạt động Lễ hội Vì hòa bình lần đầu được tổ chức tại Quảng Trị. Ngoài việc cổ vũ cho phong trào tập luyện môn xe đạp thể thao đang ngày càng phát triển ở Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung còn tôn vinh giá trị của hòa bình, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Quảng Trị…

“Đan xen vào các sự kiện diễu hành, đua xe, chúng tôi lồng ghép nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa và một số hoạt động mang tính biểu tượng của thể dục thể thao”, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết.

Cụ thể, khi đoàn diễn hành đi qua cầu Hiền Lương sẽ có 70 em nữ sinh thả chim bồ câu, tượng trưng cho kỷ niệm 70 năm Ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký (20/7/1954 - 20/7/2024), kỷ niệm 70 năm Truyền thống Vĩnh Linh (25/8/1954 - 25/8/2024).

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đoàn sẽ thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng thời tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cuối cùng, tại Công viên Fidel, các VĐV, các đại biểu sẽ được ký tên, viết thông điệp lên lá cờ biểu tượng của lễ hội rộng 54m2 (đại diện cho 54 dân tộc anh em của Việt Nam). Và lá cờ này sẽ được gửi lên Ủy ban Quốc gia UNESCO, như một thông điệp của những người yêu chuộng hòa bình.

Theo dự kiến, ngày hội sẽ quy tụ hàng chục câu lạc bộ xe đạp trên cả nước đăng ký tham gia ngày hội với số lượng khoảng 300 VĐV. Ngoài ra, ban tổ chức cũng đã gửi thư mời và tích cực vận động các câu lạc bộ xe đạp đến từ Lào, Campuchia, Thái Lan… tham dự ngày hội để làm phong phú sắc màu cho sự kiện.

Minh Tân