Đề xuất hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 12/10, mưa lũ đã làm 18 người chết (15 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển), tăng 9 người: Quảng Bình 1 (tăng 1), Quảng Trị 6 (tăng 3), Thừa Thiên Huế 3 (tăng 1), Quảng Nam 3 (tăng 2), Đà Nẵng 1 (tăng 1), Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, ĐăkLăk 1, Lâm Đồng 1 (tăng 1).

14 người mất tích (10 người do lũ cuốn; 4 thuyền viên trên biển), gồm: Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Thừa Thiên Huế 1, Đà Nẵng 3, Quảng Nam 2, Gia Lai 1.

382 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 nhà bị ngập; 108 điểm quốc lộ, 8.656m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 11 điểm ngập (Quảng Bình 2; Thừa Thiên Huế 9). Ngành Giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49A, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, quốc lộ 9 (Quảng Trị); quốc lộ 15 (Quảng Bình).

584ha lúa, 3.879ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.141ha thủy sản bị thiệt hại; 271 con gia súc, 150.489 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

70 điểm trường bị ngập (Quảng Bình 28, Quảng Trị 1; Đà Nẵng 11, Quảng Nam 30). Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đã ban hành Công văn 2734/ SGDĐT-VP về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 12/10 do mưa lớn ảnh hưởng của bão số 6, cho đến khi có thông báo mới.

Về tình hình sạt lở bờ biển: 20,6km (Hà Tĩnh 7km, Thừa Thiên Huế 10,1km, Quảng Nam 3,5km).

Bão số 6 cùng mưa lớn gây lũ lụt tại 7 tỉnh, TP miền Trung - Tây Nguyên cũng khiến 913.854 khách hàng bị mất điện. Sau nhiều nỗ lực, đến sáng ngày 12/10, đã cấp điện trở lại cho 334.622 khách hàng.

Đến nay, một số nơi chưa thể cấp điện trở lại do tình hình mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, giao thông chia cắt, bao gồm: 2 xã là Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy và một phần xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) với 1.577 khách hàng bị mất điện, sẽ thực hiện khôi phục khi nước rút, đảm bảo an toàn đóng điện.

Quảng Trị hiện còn 47.323 khách hàng chưa thể khôi phục do có một số khu vực thuộc Hải Lăng, Thành Cổ, Triệu Phong nước còn dâng cao. Khu vực huyện Đakrông bị sạt lở cột trung thế. Đơn vị sẽ xử lý cấp điện lại cho khách hàng ngay sau khi nước rút, đảm bảo an toàn đóng điện.

Thừa Thiên Huế còn 178.136 khách hàng của 73 xã, phường đang bị mất điện, đến sáng 12/10, nước vẫn ở mức cao, ngay khi nước rút, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra lưới điện để khôi phục ngay khi đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.

TP Đà Nẵng còn 5.265 khách hàng của 4 xã (Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Phong, huyện Hòa Vang) bị mất điện. Tùy thuộc vào tình hình, diễn biến nước rút các đơn vị sẽ khôi phục lại các khách hàng bị ảnh hưởng.

Quảng Nam còn 202.106 khách hàng của 126 xã bị mất điện. Do ảnh hưởng mưa lớn sau bão, diễn biến lũ lụt phức tạp, đơn vị tiếp tục theo dõi các thông tin chỉ đạo của tỉnh, tiến hành khôi phục cấp điện khi nước rút, đảm bảo an toàn đóng điện.

Tại Quảng Ngãi còn 144.696 khách hàng của 20 xã mất điện, trong ngày 12/10, đơn vị tiếp tục điều động 22 nhân lực khôi phục xong phụ tải khu vực Bình Sơn, Sơn Tịnh.

Kon Tum còn 6 thôn và 1 xã với 129 khách hàng bị mất điện, dự kiến ngày 12/10 sẽ khôi phục điện cho khách hàng.

Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 4.000 tấn gạo (Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Bình: 3.000); 10.000 thùng mỳ tôm, 02 tấn lương khô (Thừa Thiên Huế); 110 tấn giống ngô, rau các loại (Quảng Bình); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn.

Ngày 12 - 13/10, miền Trung lại sẽ có mưa to đến rất to

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 7 trong năm 2020 và có tên quốc tế là NangKa. Ngày 12, 13/10, miền Trung lại sẽ có mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 200 - 400mm, có nơi trên 500mm, tỉnh Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng từ 100 - 200mm.

Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng hiện đã có mưa rất to, lượng mưa 18h vừa qua tính từ 19h00 ngày 11/10 đến 13h00 ngày 12/10 phổ biến khoảng 150-250mm, có nơi trên 300mm như A Vao (Quảng Trị) 563,2mm, Tà Rụt (Quảng Trị) 458,6mm, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) 364mm.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ sáng 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng từ 200-300mm, có nơi trên 350mm; các tỉnh/thành Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam khoảng 100-200mm, có nơi trên 250mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi khoảng từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ chiều 13/10 mưa giảm dần.

Trước tình hình mưa lũ dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức họp khẩn trực tuyến với 10 huyện, thành phố của tỉnh. Chính quyền địa phương xác định vừa phải tổ chức khắc phục hậu quả vừa tiếp tục triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã họp bàn về công tác ứng phó với lũ lụt cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.

Trên địa bàn tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế đều bị ngập nước, với độ sâu từ 0,8m đến 3m; trong đó nhiều nơi tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, thành phố Huế bị ngập sâu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tiếp tục chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, không để một ai bị thiếu đói.

PV