Quảng Trị chịu thiệt hại lớn về người

Theo số liệu của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ ngày 6/10 đến sáng 19/10 khiến 90 người chết, 34 người mất tích tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 121.694 hộ dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chịu cảnh ngập lụt trong khi tiếp tục có những lưu vực sông đã vượt mức nước lũ lịch sử.

Quảng Trị là địa phương chịu thiệt hại rất lớn về người, với 41 người chết và 18 trường hợp mất tích. Tại Quảng Trị, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 22 cán bộ, chiến sỹ tại vị trí sạt lở Đoàn Kinh tế 337 (Quân khu 4), xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, hiện đang tiếp tục tìm kiếm 10 người mất tích tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa.

Thừa Thiên Huế có 27 người chết và 15 trường hợp mất tích. Trong đó, lực lượng tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ thông đường vào Thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm 15 công nhân còn mất tích.

Trong khi đó, lũ tại Quảng Bình tiếp tục lên. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lúc 7 giờ ngày 19/10 vượt trên mức báo động 3 tới 2,18m, vượt lũ lịch sử 0,97m và vẫn đang dao động ở mức đỉnh.

Theo số liệu báo cáo nhanh, hơn 71.000 nhà dân đã bị ngập lụt. Trong đó, tại huyện Lệ Thủy, hơn 30.000 nhà bị ngập sâu. Trước diễn biến của tình hình mưa lũ, các địa phương đã di dời khẩn cấp hơn 8.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều phải tiếp tục vận hành xả tràn điều tiết lũ. Để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra công điện khẩn sơ tán hơn 7.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn. Tổng số di dời là 2.652 hộ với 6.683 người ở các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh đã được sơ tán khẩn cấp đến nơi tránh trú an toàn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, địa bàn bị thiệt hại rải khắp 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm 12 tuyến quốc lộ, hơn 17.400m đường địa phương bị sạt lở, hư hỏng, trong đó nặng nề nhất là Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Trong đó đáng chú ý là 4 huyện, thị xã thuộc tỉnh Quảng Bình: Lệ Thủy, Đồng Hới, Ba Đồn, Bố Trạch.

Tại Hà Tĩnh, do hồ Kẻ Gỗ xả lũ nên tuyến quốc lộ 1A đi qua huyện Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh bị ngập, nhiều điểm ngập sâu phương tiện giao thông không di chuyển được.

Ở Quảng Bình, tại quốc lộ 1A đoạn qua cầu Quán Hàu, huyện Quảng Ninh và đoạn qua thị xã Ba Đồn, nhiều đoạn bị ngập sâu, nước chảy xiết khiến các phương tiện lưu thông qua khu vực này bị ùn tắc. Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Quảng Bình cũng bị ngập tại đoạn đi qua huyện Bố Trạch, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cử cán bộ trực cắm chốt và cảnh báo nguy hiểm.

Kêu gọi, vận động ủng hộ đồng bào miền Trung

Trước diễn biến hết sức phức tạp của mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho đồng bào miền Trung, sáng 19/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ quyên góp ủng hộ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có 5 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo; Thường trực Ban Bí thư có điện yêu cầu tập trung công tác ứng phó với mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, làm việc với Quân khu 4 để kịp thời chia sẻ, động viên và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, công tác cứu nạn, cứu hộ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có mặt tại các địa phương, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình 1.000 tấn, Quảng Trị 1.000 tấn, Thừa Thiên - Huế 1.000 tấn, Quảng Nam 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.

Sáng 19/10, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - đồng Chủ tịch Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã đồng chủ trì cuộc họp vận động hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh duyên hải Trung Bộ bị thiệt hại do lũ lụt.

Chia sẻ với những thiệt hại nghiêm trọng tại miền Trung Việt Nam, Giám đốc Quốc gia ADB Andrew Jeffries cho biết: Từ ngày 20 - 23/10, sẽ có 3 đoàn thuộc Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai khảo sát, đánh giá thiệt hại tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trên cơ sở đó sẽ có những hỗ trợ cụ thể để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Trong những ngày qua, nhằm kịp thời chia sẻ với đồng bào các tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, Agribank đã hỗ trợ 3 tỷ đồng từ nguồn an sinh xã hội đối với các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. BIDV cũng tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. 

Hay như,  MB cũng đã trao 650 triệu đồng hỗ trợ gia đình các liệt sĩ hy sinh tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Các hãng bay tiếp nhận và vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ của các cơ quan, tổ chức xã hội, từ thiện tới đồng bào chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ miền Trung. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thông báo, hàng hóa cứu trợ đồng bào lũ lụt sẽ được đặt giữ chỗ và ưu tiên vận chuyển trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung. Vietjet sẽ miễn phí vận chuyển hoàn toàn cho hàng hoá cứu trợ và ưu tiên chuyên chở nhanh nhất trên các chuyến bay của Vietjet xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đi đến các sân bay Chu Lai (Quảng Nam), Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Đồng Hới (Quảng Bình) và Vinh (Nghệ An). Hàng hóa cứu trợ sẽ được đặt giữ chỗ và ưu tiên vận chuyển miễn phí trên các chuyến bay của Bamboo Airways từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Chu Lai (Quảng Nam), Đà Nẵng.

Áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, tác động cực đoan đến thời tiết miền Trung

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông thuộc miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.

Trong 24 giờ tới, hình thái này di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20km/h và khả năng mạnh thành bão. Sáng 20/10, tâm bão cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 350 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi, tăng tốc lên 25km/h và đi vào Biển Đông. Sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, giật cấp 10 và có thể mạnh thêm.

Rạng sáng 21/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa 770km. Sau đó, bão đổi hướng, dịch chuyển theo hướng Tây và giảm vận tốc xuống còn 15km/h. Bão có khả năng tiếp tục mạnh lên.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định bão trên biển Đông trong những ngày tới khả năng tác động cực đoan đến thời tiết miền Trung. Mưa lớn có thể tiếp diễn tại Trung Bộ trong các ngày 22 - 26/10.

Như vậy, mưa lũ ở miền Trung chưa có dấu hiệu kết thúc trong vòng 1 tuần tới do liên tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh và xoáy thuận nhiệt đới trên biển.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nhiều tỉnh miền Trung nguy cơ tái diễn ngập lụt diện rộng.

Thủy Ngân