Sau một tuần xảy ra sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, với nhiều thông tin trái chiều, điều khiến dư luận quan tâm, người dân sinh sống xung quanh khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng lo lắng là, kết quả quan trắc đã phản ánh đúng hiện trạng ô nhiễm tại thời điểm xảy ra vụ cháy và sau những ngày mưa? Liệu người dân đã được biết “sự thật” mức độ ô nhiễm, cũng như nỗi lo cần sớm giải quyết?

Chiều tối 4/9, tại buổi Họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chính thức công bố kết quả quan trắc không khí, đất và nước mặt tại những nơi được cho là ảnh hưởng từ vụ cháy. Theo đó, cảnh báo ô nhiễm hóa chất là hoàn toàn có cơ sở.

Thông tin được lãnh đạo cao nhất Bộ Tài Nguyên và Môi trường đưa ra, vụ cháy Rạng Đông đã làm phát tán ra môi trường từ 15,1 đến 27,2 kg thủy ngân. Một số mẫu không khí, nước, trầm tích có giá trị nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam, ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu.

Nồng độ thủy ngân vượt khuyến cáo của WHO

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, sau khi xảy ra vụ cháy tại Công ty Rạng Động, Tổng cục Môi trường đã tiếp cận và lấy mẫu ở 4 vị trí theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200m, 500m và 1.000m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy.

Kết quả cho thấy, các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị hàm lượng thủy ngân (Hg) trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR - Mỹ từ 10 - 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

Tại điểm quan trắc hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty, 1/8 mẫu nước thải có giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn; điểm quan trắc cách cống xả Công ty 1 km có 12/13 mẫu trầm tích và bùn đáy giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn 6,1 lần; còn điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho thì 1/6 mẫu không khí có thuỷ ngân vượt 1,02 lần.

Với khoảng cách 200m từ hàng rào nhà máy, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

Ngoài ra, 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người), đó là điểm ở hồ Hạ Đình và trên sông Tô Lịch, tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình.

Về phần đất, mặc dù nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty Rạng Đông lại có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.

Kết quả quan trắc một số kim loại nặng khác cũng phát hiện thấy có giá trị vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam. Cụ thể, có 1/8 mẫu nước thải có giá trị Chì vượt quy chuẩn Việt Nam 1,96 lần tại hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty; 9/13 mẫu trầm tích, bùn đáy (trên sông Tô Lịch) có giá trị Cadimi vượt quy chuẩn Việt Nam…

“Vụ cháy ở Rạng Đông là sự cố cháy nổ mất an toàn hoá chất, được đánh giá là quy mô ảnh hưởng trung bình nhưng thiệt hại lớn về tài sản, có tác động xấu đến sức khoẻ người dân và môi trường xung quanh; hoá chất gây ô nhiễm chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng,” ông Nhân nói.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng khẳng định, sau khi phân tích kết quả cũng như căn cứ vào khuyến cáo chuyên môn của WHO, thì người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân.

Ngoài ra,  theo báo cáo của Công ty Rạng Đông, lượng thủy ngân có thể phát tán vào khoảng 15,1kg. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho một bóng đèn compact thì khối lượng thủy ngân phát tán khoảng 27,2 kg.

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu nước, trầm tích xung quanh nhà máy và cho nhiều kết quả khác nhau. Đơn cử, giá trị nồng độ thủy ngân so với tiêu chuẩn của 1 trên 12 mẫu đã vượt tiêu chuẩn Việt Nam. Mẫu duy nhất vượt 1,3 lần nằm trên sông Tô Lịch, chỗ xả nước thải của công ty, cách nhà máy 1,5 km.

Theo ông Nhân, các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân, một số kim loại nặng. Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh. Một phần vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy. Phạm vi vùng có nguy cơ trong khoảng cách 500m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.

Với hiện trạng cũng như thông tin công bố trên, có thể thấy, kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phủ nhận kết quả quan trắc đã được cơ quan chức năng thành phố Hà Nội công bố ngày 31/8, khẳng định “trong các mẫu đất lấy tại 5 vị trí xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông, nồng độ thủy ngân đều bằng 0.”

Không những thế, Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân còn yêu cầu Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình - địa phương đối mặt với cảnh báo ô nhiễm từ vụ cháy thu hồi văn bản khuyến cáo đối với người dân đang được sự đồng tình của giới chuyên gia, bởi lý do “không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở.” Điều này hoàn toàn trái ngược với kết quả quan trắc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, cũng như đánh giá của giới chuyên gia.

Mối quan ngại về “sự thật” ô nhiễm- 

Không thể phủ nhận, ngay sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Rạng Đông, cơ quan chức năng của các Bộ, ngành, thành phố Hà Nội đã chủ động, tổ chức lấy mẫu quan trắc, góp phân trấn an dư luận.

Tiếc rằng, thông tin mà các bên đưa ra lại không thống nhất, gây “nhiễu” thông tin về “sự thật” ô nhiễm, khiến người dân thêm hoang mang, lo lắng...

Vu chay Rang Dong:

Hiện trường vụ cháy Rạng Đông, tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Hãy thử hình dung, nếu không có những trận mưa xối xả xảy ra liên tiếp vào những ngày xảy ra vụ cháy, thì mức độ ô nhiễm, phạm vị lan tỏa thủy ngân, cũng như hàm lượng thủy ngân trong không khí sẽ tăng/giảm ra sao? Đó là chưa kể, hàm lượng thủy ngân sau một tuần xảy ra sự cố hỏa hoạn, có thể đã lan vào nguồn nước, vào đất ở nhiều vị trí khác nhau.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 4/9, nguồn tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường tiết lộ đã có kết quả quan trắc chính thức về vụ cháy Rạng Đông. Ngay sau đó, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã liên hệ tới các lãnh đạo chủ chốt của Tổng cục Môi trường, tuy nhiên, sau nhiều cuộc gọi vẫn không nhân được kết quả gì, ngoài tin nhắn “mời phóng viên lên họp báo Chính phủ, lãnh đạo Bộ sẽ trả lời.”

Vẫn biết, việc công bố kết quả quan trắc cần “chọn thời điểm thích hợp,” Bộ tài nguyên và Môi trường cũng đã rốt ráo vào cuộc lấy mẫu quan trắc, kiểm tra. Tuy nhiên, trong lúc kết quả quan trắc đang có nhiều ý kiến trái chiều, người dân đặc biệt lo lắng, thì việc sớm công bố kết quả quan trắc, có thể sau vài ngày xảy ra vụ hỏa hoạn, sẽ giúp người dân bớt phần lo lắng; cũng như không phải mỏi mòn chờ tin từ buổi Họp báo Chính phủ, mà vốn dĩ nội dung kết quả quan trắc đã được Bộ này "cầm trong tay" từ trước đó.

Chia sẻ với Báo Điện tử VietnamPlus, từ góc độ chuyên gia, ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam khẳng định, kết quả quan trắc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố là “tương đối khách quan.”

Theo đó, kết quả này đã bác bỏ thông tin “nồng độ thủy ngân đều bằng 0” đã được công bố trước đó.

Theo ông Bái, tại khu vực cháy ở Hạ Đình, sau đám cháy có 2 trận mưa rất lớn đã làm giảm hàm lượng thủy ngân trong không khí. Tuy vậy, đến ngày thứ 3, sau đám cháy, mới lấy mẫu để phân tích và những số liệu này đã cao hơn ngưỡng cho phép (kết quả quan trắc chưa đưa ra ngưỡng cụ thể), cũng đã chứng minh rằng không khí tại thời điểm cháy đã bị ô nhiễm nặng bởi thủy ngân.

Phân tích về mức độ ảnh hưởng của thủy ngân, ông Bái cho biết, theo tính toán của WHO, nếu giả thiết một ngày một người hô hấp (hít vào, thở ra) 1 thể tích không khí là 20m3, và nếu nồng độ trong không khí là 0,3 µg/m3 (IRIS, 1995) thì tổng lượng Hg dạng hơi hấp thu vào cơ thể 1 ngày sẽ là 0,03µg (microgam) qua không khí, và lượng HG ở lại trong cơ thể (intake) là 80%, tức là 0.024 µg (microgam).

Nếu nồng độ Hg trong không khí là 15 µg/m3, thì lượng Hg hấp phụ vào cơ thể tương ứng sẽ là 0,3µg (microgam) và lượng Hg ở lại trong cơ thể (intake) là 80%, tức là 0,24 µg (microgam). Tức là khi nồng độ ô nhiễm tăng 50 lần, thì lượng thủy ngân hấp thụ vào cơ thể tăng 10 lần.

Giả thiết nồng độ thủy ngân trong không khí tăng đến mức 0,3 mg/m3 - tức là tăng đến 1.000 lần so với không khí sạch, thì có thể lượng thủy ngân bị hấp phụ vào cơ thể người tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng sẽ phải tăng đến cỡ hàng trăm lần so với người bình thường.

Bằng mô hình phát tán của Mỹ (ALOHA), có thể tính toán cự ly phát tán với giả thiết toàn bộ lượng thủy ngân có trong trên 2 triệu bóng đèn huỳnh quang vào khoảng 10kg, sẽ hóa hơi hết trong vòng 1 giờ khi có đám cháy, khi đó tính từ tâm đám cháy, cự ly phải áp dụng PAC1 (0.3 mg/m3) sẽ là 1,5 km theo chiều gió; cự lý phải áp dụng PAC2 (2,25 mg/m3) là 430 mét theo chiều gió; cự lý phải áp dụng PAC3 (4,41 mg/m3) sẽ là 300 mét theo chiều gió.

“Các con số này tuy chỉ gần đúng vì tính toán theo mô hình, nhưng có thể cho thấy sơ bộ số người có thể bị tác động trong các khoảng cách khác nhau từ đám cháy. Theo chiều gió, cách tâm đám cháy 100 mét, nồng độ thủy ngân có thể đến 32 mg/m3; ở cự ly 50 mét là 120 mg/m3. Với con số này có thể suy đoán các chiến sỹ và công nhân lao vào đám cháy có thể chịu mức ô nhiễm rất cao (đến 30 lần nếu so với PAC3, và 400 lần nếu so với PAC1),” ông Bái nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam cũng lưu ý, thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố là tương đối khách quan. Theo đó, việc cần làm hiện nay là các cán bộ kỹ thuật cùng với Công ty Rạng Đông phải cô lập các khu vực có thể đã bị nhiễm thủy ngân từ đám cháy để ngăn ngừa tối đa khả năng phát tán xa thêm do vô ý hay do thời tiết.

“Tuy nhiên, đối với người dân ở bên ngoài - những người cần được bảo vệ nhất, điều lo lắng nhất là sự thật về mức độ ảnh hưởng. Vì thế, chính quyền địa phương cần vận động người dân chủ động là đi kiểm tra máu. Đồng thời phải được triển khai các biện pháp xử lý độc theo đúng khoa học và được tiến hành bởi các cơ quan, cá nhân có trình độ chuyên môn phù hợp,” ông Bái nói thêm.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, để giải quyết tình trạng ô nhiễm, cơ quan chức năng đã đề nghị Công ty khẩn trương cô lập khu vực cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt để tránh mưa, không để hơi thuỷ ngân tiếp tục phát tán.

Đối với chất tàn dư sau vụ cháy, Công ty cần thu gom, lưu giữ trong container để xử lý theo quy định đối với chất thải nguy hại. Bộ Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị Hà Nội phối hợp Bộ tư lệnh hoá học (Bộ Quốc phòng) tẩy độc khu vực cháy; tiếp tục thống kê chính xác hàng hoá nguyên vật liệu đang sử dụng bị cháy, đặc biệt là lượng thuỷ ngân lỏng để báo cáo cho cơ quan chức năng. Công ty cũng phải tổ chức kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, công nhân, người lao động.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phối hợp cơ quan chức năng của Hà Nội hướng dẫn cải tạo khu vực ô nhiễm và tiếp tục quan trắc một số địa điểm, đánh giá khả năng bay hơi của thuỷ ngân khi trời nắng.

Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam sẽ phối hợp chuyên gia Nhật Bản thiết lập mô hình giám sát ô nhiễm môi trường, quan trắc online thuỷ ngân trong khu vực kiểm soát sau sự cố.

Về lâu dài, quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường là các đô thị lớn phải có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm, có nguồn hoá chất ra khỏi khu dân cư, bao gồm Công ty Rạng Đông, tránh sự cố tương tự../.

Theo Hùng Võ/Vietnam+