Chuyển đổi số trong du lịch là xu thế tất yếu

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là xu thế tất yếu do thói quen của khách du lịch thay đổi. Ngày càng có nhiều du khách lựa chọn đặt các dịch vụ du lịch qua mạng.

Theo thống kê, trước đây, doanh thu từ đặt dịch vụ, du lịch qua mạng chỉ chiếm khoảng 10 - 15%, thì từ năm 2015 - 2019, việc tìm kiếm thông tin du lịch trên mạng tăng hơn 32 lần; có tới 88% du khách nội địa tra cứu thông tin qua mạng; trung bình mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về sản phẩm du lịch. Do đó, xu hướng chuyển đổi số trong DN là con đường không chỉ DN du lịch mà các điểm đến cũng đang triển khai để bắt kịp xu thế.

Đặc biệt, hậu Covid-19 khi hầu hết mọi thói quen và tâm lý tiêu dùng đã thay đổi và được thực hiện chủ yếu trên internet cũng là lúc các DN du lịch buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên môi trường số, từ tiếp cận, đặt vé, đặt tour, đặt phòng… Vì thế, DN cần phải gồng mình chuyển đổi số với mong muốn tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu suất và tăng lượng khách hàng chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ.

Trong đó, việc tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ theo mô hình một hệ sinh thái du lịch thông minh, gắn kết các chủ thể chính trong ngành Du lịch trên môi trường số, gồm có: Cơ quan quản lý Nhà nước, các DN du lịch, điểm đến và khách du lịch.

Chẳng hạn, trong hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước, hoạt động chuyển đổi số diễn ra tập trung vào số hóa dữ liệu, phát triển các công cụ tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ việc ra quyết định và hoạch định chính sách.

Ngoài ra, một hệ thống truyền thông số đa kênh như website, mạng xã hội, hệ thống thư điện tử, hệ thống điểm tin du lịch hàng ngày... đã hỗ trợ đắc lực cho việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, là hệ thống vé điện tử dành cho các điểm đến; máy bán hàng tự động (như máy bán nước, thuê xe tự động, máy bán vé tự động,…); các công cụ thanh toán điện tử…

Đặc biệt, đối với khách du lịch - chủ thể quan trọng bậc nhất trong hoạt động du lịch sẽ được hỗ trợ nâng cao trải nghiệm với các sản phẩm cốt lõi như: Ứng dụng Du lịch Việt Nam, Thẻ Du lịch thông minh. Với ứng dụng Du lịch Việt Nam, du khách có thể tra cứu thông tin du lịch an toàn, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua vé điện tử, mua bảo hiểm du lịch, mua sắm các hàng hóa, dịch vụ du lịch và nhất là có thể phản ánh tới cơ quan chức năng về chất lượng dịch vụ. Còn Thẻ Du lịch thông minh cho phép thanh toán điện tử và tích hợp nhiều tính năng, sử dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực du lịch, thương mại, vận chuyển, y tế.

Mặt khác, chuyển đổi số cũng giúp DN du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch, trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành Du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp.

Không chỉ DN, tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch, đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.

Cần một nền tảng số du lịch thống nhất

Mặc dù lợi ích và thành quả đạt được từ chuyển đổi số là rất lớn nhưng DN lữ hành du lịch cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Theo các chuyên gia, trong DN lữ hành sẽ chia làm rất nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau và để có thể ứng dụng số được đồng bộ cho các quy trình cũng như phòng, ban chuyên môn thực sự nan giải. Bởi các đơn vị cung ứng các giải pháp chuyển đổi số cho lữ hành hiện nay không liên kết được các bộ phận, phòng, ban, từ các khâu marketing, chăm sóc khách hàng, đến kinh doanh, điều hành và kế toán, quản lý. Chính điều này đã dẫn tới việc DN sẽ chỉ có thể chuyển đổi số từng phần, ảnh hưởng tới các công cụ sử dụng và quản lý bị đứt gãy.

Tiếp đó là khó khăn về nguồn lực tài chính để duy trì từ cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị đến các giải pháp ứng dụng, nền tảng số khác nhau cho từng bộ phận chuyên môn trong DN, bởi để có thể sử dụng các giải pháp số một cách liên tục và hiệu quả thì DN phải sẵn nguồn lực tài chính ổn định…

Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết,  trong thời gian tới sẽ xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý Nhà nước, trong đó, những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có, để các DN, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này, hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.

Để có một nền tảng chung phát triển trong tương lai thì cần sự đóng góp dữ liệu từ người dùng. Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, Tổng cục Du lịch cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ DN Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và DN có thể cùng sử dụng được.

Trên thực tế, thời gian qua, những tập đoàn công nghệ lớn như: VNPT, Viettel, FPT… cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch để thực hiện công tác chuyển đổi số tại các điểm du lịch, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch.

Giờ đây, cuộc cạnh tranh trong du lịch đã không còn chỉ về giá, chất lượng dịch vụ, mà chính là tiện ích công nghệ, thanh toán online… Hy vọng với cú hích chuyển đổi số đã và đang lan tỏa rộng khắp sẽ giúp các DN cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thái Hải