Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, Ninh Thuận có đường ven biển dài 105km, là cung đường biển dài và đẹp nhất cả nước, mở ra không gian mới cho phát triển các ngành kinh tế biển và phát triển các đô thị, du lịch ven biển.

Về điều kiện tự nhiên, khí hậu có địa hình, địa thế bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp. Hệ sinh thái rừng khô hạn độc nhất Đông Nam Á; là một trong số ít tỉnh, thành ở Việt Nam có 2 vườn quốc gia.

Trong đó, Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới (là 1 trong 9 di sản thiên nhiên của thế giới).

Văn hóa Ninh Thuận là bức tranh đa màu sắc, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp; 2 di tích quốc gia đặc biệt (tháp Pô Klông Garai và tháp Hòa Lai) cùng nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, bao gồm đình, chùa, di tích lịch sử, lễ hội...

leftcenterrightdel
 Nhiều năm qua, Ninh Thuận tập trung phát triển du lịch nhằm thu hút du khách. Ảnh: Khoa Lê

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với những tiềm năng, lợi thế khác biệt, độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử… Ninh Thuận có thể phát triển đa dạng, phong phú các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao lướt ván diều, golf, du lịch văn hóa…

“Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch Ấn Độ trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, kết nối, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư, ưu đãi đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Long Biên nhấn mạnh.

Khoa Lê