Ngày 11/11, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội thảo "Đánh giá kết quả phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo".

Trên 90% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động

Theo Sở Du lịch Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng khách du lịch bình quân đến Hà Nội đạt 10,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 17,6%/năm, đến năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng, đóng góp 12,54% vào GRDP của Hà Nội.

Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã khiến lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm 70%, tổng thu từ khách du lịch giảm 73%, công suất bình quân khối khách sạn giảm 38% so với năm 2019, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.

Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết, dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch Hà Nội sụt giảm nghiêm trọng, nhưng cũng chỉ ra những "điểm yếu" mà ngành Du lịch Thủ đô cần khắc phục.

"Du lịch Hà Nội phát triển chưa thực sự bền vững để đủ sức chống chịu và phục hồi nhanh trước những thay đổi bất ngờ do dịch Covid-19. Các sản phẩm du lịch tuy đã được bổ sung, nâng cấp chất lượng, đổi mới nhưng so với các trung tâm du lịch lớn trong nước còn thiếu sự hấp dẫn và khả năng cạnh tranh để thu hút khách du lịch", bà Đặng Hương Giang nêu rõ.

Tại hội thảo các chuyên gia du lịch có chung ý kiến, hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ Hà Nội đã quá cũ, không theo kịp thực tế nên đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp chất lượng tour và dịch vụ.

Ngoài ra, Hà Nội đang có sự phát triển mất cân đối giữa các trọng điểm du lịch trên địa bàn, đặc biệt giữa địa bàn trung tâm và khu vực phía Tây Thủ đô, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch.

Đóng góp cho việc phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô, trước mắt, các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần tập trung vào những sản phẩm thế mạnh, rõ tính đặc trưng. Bên cạnh du lịch văn hóa, làng nghề, Hà Nội có thể đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch sinh thái, cộng đồng...

Cần cơ cấu lại sản phẩm du lịch

PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch cho rằng, Hà Nội cần cơ cấu lại sản phẩm du lịch trước những thay đổi về thói quen du lịch của du khách, khi mà du lịch tự túc, theo hình thức nhóm nhỏ, gia đình sẽ là chủ đạo.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ban Cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam Trương Minh Tiến góp ý thêm, Hà Nội cần lựa chọn, đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng, ví dụ như cần có sự lựa chọn những làng nghề tiêu biểu, phù hợp đón khách du lịch chứ không nên phát triển du lịch làng nghề ồ ạt.

Cùng với đó, Hà Nội cần nâng cấp hạ tầng du lịch, như các tuyến đường vào khu du lịch; có chỉ dẫn về điểm dừng xe cho các tour, tuyến; quy hoạch hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, chuyên gia du lịch bày tỏ, một trong những giải pháp quan trọng là Hà Nội cần quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch bằng cách kiểm kê lại lực lượng lao động, từ đó có chương trình đào tạo phù hợp.

Ở góc độ lữ hành, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho rằng, các đơn vị lữ hành, điểm đến của Hà Nội cần tăng trải nghiệm cho khách hàng, kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách bằng cách tăng các sản phẩm, quà tặng chất lượng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, dù gặp khó khăn nhưng Hà Nội vẫn là một trong hai trung tâm du lịch lớn của cả nước. Để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô thì bên cạnh việc xây dựng sản phẩm mang tính đặc thù, tăng cường quảng bá thì du lịch Hà Nội cần phải đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động du lịch.

Để khắc phục những bất cập trên, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành Du lịch sẽ triển khai 7 nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường...

Đáng lưu ý, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội sẽ hình thành các cụm du lịch trọng điểm theo các vùng: Cụm du lịch trung tâm Hà Nội (phát triển du lịch văn hóa, di sản, du lịch ẩm thực); cụm du lịch vùng ven đô (phát triển du lịch MICE, du lịch thể thao, giải trí); cụm du lịch vùng ngoại thành Hà Nội (phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, trải nghiệm, học đường...). Từ đó, đầu tư phát triển hạ tầng và sản phẩm theo quy hoạch phát triển du lịch, nhằm tạo động lực và điều kiện tốt nhất cho du lịch Hà Nội phát triển.