Trước và trong kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo các địa phương miền Trung đã chỉ đạo nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt và có hiệu quả.

Tại Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã yêu cầu lực lượng công an, quân đội, y tế trong toàn tỉnh trực chiến chống dịch 100%, suốt 24 giờ/ngày trong dịp đón Tết Tân Sửu.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành… quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”. Phải đảm bảo nhân lực trực phòng chống dịch, phân công cụ thể đầu mối trực chống dịch trong những ngày Tết, gửi về Sở Y tế để liên hệ, phối hợp khi có tình huống cần giải quyết; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh hàng ngày; sẵn sàng lực lượng, phương tiện đáp ứng các tình huống phòng, chống dịch khi có tình huống khẩn cấp.

UBND TP và các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Vân Canh phải tăng cường lực lượng tại chốt kiểm tra y tế để đảm bảo kiểm tra, kiểm soát người đến Bình Định, đặc biệt là từ tỉnh Gia Lai và TP Hồ Chí Minh đã có dịch; thực hiện khai báo y tế và cách ly những người về từ địa phương có dịch.

Tại Bình Định, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào mắc Covid-19. Tỉnh đã thực hiện cách ly 49 trường hợp nghi ngờ; cách ly tại khu cách ly tập trung 432 trường hợp; cách ly tại nhà 4.327 trường hợp; số mẫu đã xét nghiệm là 1.480 mẫu, đều cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trong dịp Tết vừa qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà… chưa phát sinh ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng.

Để chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn tỉnh, Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai việc xét nghiệm và gửi mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người từ các địa phương có ca dương tính về Quảng Nam.

Ngày 10/2 (tức 29 Tết), Quảng Nam tổ chức tiếp nhận, cách ly y tế 130 công dân từ các tỉnh, TP có dịch bệnhCovid-19; vào các khu cách ly tập trung theo chủ trương của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian cao điểm.

Có được kinh nghiệm trong các đợt phòng, chống dịch bệnh trước đó, người dân miền Trung đã tự giác thực hiện phương châm “5K” của Bộ Y tế; vận động nhau tạm dừng việc tổ chức các lễ hội vào dịp Xuân như: Hội hô bài Chòi, hát bội, đua ghe, cúng xóm, làng, đình, liên hoan gặp mặt đầu năm… nhằm tránh tụ tập đông người, tránh lây lan.

Công an các địa phương đã chú trọng kiểm tra trật tự xã hội ngay từ những ngày đầu năm để ngăn ngừa việc tụ tập chơi cờ bạc, bầu cua… trong dịp Tết.

Tại Đà Nẵng, cũng tăng cường biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo người dân đón Tết vui tươi, an toàn.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch trong thẩm quyền; tích cực phối hợp triển khai các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 đã được xây dựng như khi đang có dịch trên địa bàn; sẵn sàng vận hành các phương án và biện pháp ứng phó phòng, chống dịch ở mức cao nhất; triển khai các hoạt động ngay khi có yêu cầu.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân tuân thủ thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế: Luôn đeo khẩu trang; giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người; thường xuyên sát khuẩn tay, khai báo y tế...

Thiết lập các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn TP, sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe để tăng cường khai báo y tế, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; kịp thời phát hiện các trường hợp đến Đà Nẵng từ vùng dịch để có biện pháp can thiệp y tế phù hợp.

Tất cả trường hợp cách ly y tế đều lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Sở Y tế thông báo các ổ dịch, vùng dịch tại các địa phương trên cả nước, chuẩn bị nhân lực phương tiện, trang phục, hóa chất, vật tư... sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; kịp thời xử lý nếu phát hiện trường hợp mắc Covid-19.

UBND các quận, huyện kích hoạt hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng tại các khu vực, địa phương có trường hợp cách ly y tế tại nhà, để tuyên truyền, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Bố trí lực lượng, thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế tại các nơi tập trung đông người.

Trong những ngày đón Xuân mới, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các vị trí cửa ngõ ra vào Đà Nẵng vẫn thầm lặng thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ... Dưới cái lạnh buốt của những đêm thức trắng đầu năm, các cán bộ, chiến sĩ động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ để người dân được đón một cái Tết bình yên.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) trên địa bàn TP xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 1 người bị thương; so với cùng kỳ Tết Canh Tý 2020, giảm 1 vụ, không có người chết.

Qua kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 61 trường hợp điều khiển xe mô tô vi phạm.

Trên địa bàn Quảng Nam xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 2 (giảm 50%), giảm 1 người chết (giảm 33%) và giảm 2 người bị thương (giảm 50%).

Vui Tết không được bao lâu, từ mùng 2 - 4 Tếtnhiều ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã “mở hàng” đưa tàu ra khơi bám biển đánh bắt hải sản chuyến đầu năm. Từ ngày 1 - 17/2, tại cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), có gần 600 lượt ghe tàu cập cảng để bốc dỡ, mua bán hải sản; phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang khan hiếm đầu năm.

Còn nông dân nhiều nơi ở miền Trung đã ra quân trong ngày mùng 4 Tết để làm cỏ lúa, bắp, đậu đang xanh mởn trên đồng…

Đầu năm, thời tiết ôn hoà, ấm áp; cùng với nỗ lực phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả; như báo hiệu một năm mới với nhiều điều tốt lành trên dải đất chịu thương, chịu khó miền Trung.

Nguyên Phê