Vùng đất giàu truyền thống lịch sử

Cù Lao Dung trước đây thuộc huyện Long Phú, nằm ở cuối hạ lưu sông Hậu, nơi tiếp giáp với 3 cửa sông đổ ra biển Đông gồm: Cửa Định An (ranh giới giữa huyện Cù Lao Dung với tỉnh Trà Vinh), cửa Ba Thắc (nằm trọn trên đất Cù Lao Dung) và cửa Trần Đề (ranh giới giữa Cù Lao Dung với huyện Trần Đề). Ngày nay, cửa sông Ba Thắc đã bị dòng chảy cùng phù sa bồi lắng làm biến dạng, chỉ còn là con rạch nhỏ.

Năm 2002, huyện Cù Lao Dung chính thức được thành lập trên cơ sở chia tách một phần từ huyện Long Phú. Địa bàn huyện có 8 đơn vị hành chính là thị trấn Cù Lao Dung và các xã: An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam, An Thạnh Tây, Đại Ân 1.

Cù Lao Dung là vùng đất có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, trải qua nhiều tên gọi khác nhau theo dòng chảy của lịch sử dựng nước và giữ nước. Đây là nơi ra đời của 1 trong 5 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quận Long Phú lúc bấy giờ.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất này là nơi an toàn cho lực lượng cách mạng do có vị trí cách biệt với đất liền, được phủ kín bởi những rừng cây và các loại thực vật cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt. Do vậy, các căn cứ của Tỉnh ủy Sóc Trăng, Huyện ủy Long Phú, Tỉnh ủy Trà Vinh và Huyện ủy Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) đều được đóng tại đây.

Cũng chính trên mảnh đất này, địch đã nhiều lần càn quét, bố trí đồn bốt dày đặc nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, nhưng đều bị thất bại trước ý chí kiên cường của quân và dân Cù Lao Dung.

leftcenterrightdel
 Đền thờ Bác Hồ tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: XC

Theo sử liệu, Cù Lao Dung đã ghi danh với các chiến công như: Chiến thắng Rạch Già (1947), Chiến thắng An Hưng (1973)... Từ những chiến công vang dội này đã xuất hiện những tấm gương anh hùng như: Đoàn Thế Trung, Đoàn Văn Tố, Sơn Ton, Nguyễn Tăng, Văn Sáu…

Trải qua các thời kỳ lịch sử, vùng đất và con người Cù Lao Dung đã tạo nên sức sống mãnh liệt, kiên cường và nghĩa tình. Với cảnh quan thiên nhiên cùng cộng đồng dân cư lâu đời đã tạo nên sắc thái văn hóa sông nước chỉ riêng Cù Lao Dung mới có được. Những đặc trưng này vẫn tồn tại đến ngày nay, tạo nên sự tích hợp và thích ứng giữa truyền thống với hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Cù Lao Dung.

Nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển

Cù Lao Dung được bao quanh bởi dòng sông Hậu, cây cối quanh năm xanh tươi nên có tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch. Địa phương đang có những dự án, đề án phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, homestay với các hoạt động tham quan nhà vườn, hái trái cây, đờn ca tài tử; khám phá cánh rừng phòng hộ nguyên sinh với diện tích khoảng 1.500ha; trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp khi thủy triều rút của bãi nghêu rộng hơn 800ha; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của đảo khỉ với các loài động vật và thủy, hải sản; bơi thuyền đi tìm cửa biển Ba Thắc ngày xưa nay chỉ còn là dấu vết...

Theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cù Lao Dung là vùng huyện phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, bao gồm các xã đảo; hình thành các khu chức năng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng; phát triển đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sinh thái ven biển, du lịch sinh thái dưới tán rừng…

leftcenterrightdel
 Cù Lao Dung là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, bãi bồi, rừng ngập mặn, kinh tế biển, đảo... Ảnh: XC

Ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung cho biết, vùng đất này có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, trải qua nhiều tên gọi khác nhau theo dòng chảy của lịch sử dựng nước và giữ nước. Ở từng giai đoạn, đất và người Cù Lao Dung đã ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng, kiên cường chiến đấu để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, quyết tâm đoàn kết xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương luôn đoàn kết, phát huy những lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế của vùng như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, bãi bồi, rừng ngập mặn, kinh tế biển, đảo, nhất là thế mạnh về du lịch, dịch vụ…

Năm 2023, Đảng bộ, quân và dân Cù Lao Dung đã ra sức phấn đấu, tập trung phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của người dân, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển ổn định; thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy đề ra. Huyện Cù Lao Dung hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới, đã được đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Xuân Cảnh