Trong thời gian vừa qua, không phải chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam hay ở những tỉnh có người bị mắc Covid-19 mà nhiều địa phương trên cả nước đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, người dân. Thêm một số địa phương không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có người mắc, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh… Có thể nói, doanh nghiệp du lịch đã điêu đứng, nay càng điêu đứng hơn.

Hàng loạt tour bị hủy

Các công ty du lịch nhận định việc khách hàng hủy tour đến những địa phương có người nhiễm virus SARS-CoV-2 thậm chí cả những nơi chưa có người nhiễm cũng bị hủy là bình thường. Chẳng thế mà suốt tuần qua, rất nhiều đại lý vé máy bay, doanh nghiệp du lịch luôn trong tình trạng “cháy” máy điện thoại, nhân viên sạc pin liên tục vẫn quay cuồng nhận và trả lời yêu cầu hoãn, hủy… của khách hàng.

Tại Hà Nội, từ những ngày trong tuần đầu tháng 8 đã có 13.003 khách hủy tour nội địa tại 23 doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội. Khách tại một số điểm đến du lịch trên địa bàn có xu hướng giảm dần (từ 20-60%) so với thời điểm trước khi có ca nhiễm mới tại Đà Nẵng. Công suất phòng tại các khách sạn từ 3 sao đến 5 sao trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt khoảng 22%, tính chung toàn khối khách sạn đạt khoảng 16%.

Đại diện Công ty Vietrantour cho biết, toàn bộ tour đi Đà Nẵng đã bị hủy ngay sau khi thành phố này xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Các điểm đến thuộc các địa phương xuất hiện dịch bệnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng tạm dừng. Có đến 80% đoàn đăng ký đi cuối tháng 7 và tháng 8 đều hủy tour. Thậm chí, các điểm du lịch thuộc các địa phương chưa xuất hiện dịch bệnh như: Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Bình… nhiều khách du lịch cũng đã thông báo hoãn, hủy.

Công ty Hanoi Redtour cho hay, đã chủ động hủy toàn bộ các tour đến Đà Nẵng, Hội An; còn lại một số tour đi Phú Yên, Quảng Ngãi sẽ được điều chỉnh hành trình phù hợp.

Cùng hoàn cảnh, đại diện Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô cho biết, tâm lý lo ngại của khách gia tăng khi dịch Covid - 19 được ghi nhận tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Tình hình hủy tour đến thời điểm này tại các doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ lên đến 70%. Thậm chí, có đoàn đi Sa Pa (Lào Cai) vào đầu tháng 8 khởi hành cũng báo hủy.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo sơ bộ của 11 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, đều gặp tình trạng khách hủy chương trình du lịch hàng loạt. Riêng Vietravel có 20.970 khách hủy với doanh thu dự kiến 88,6 tỉ đồng; Lữ hành Saigontourist hơn 10.000 khách hủy... Các doanh nghiệp khác như BenThanh Tourist, Lữ hành Fidi, Công ty Du lịch Hòa Bình, Công ty Du lịch TST, Công ty Đất Việt... cũng có từ 5.000 khách hủy trở lên.

Không chỉ hủy tour Đà Nẵng, các tour tuyến khác trong tháng 8 và tháng 9/2020 bị hủy tăng cao, thậm chí lan ra các chương trình du lịch đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt, các tỉnh miền Tây... Nhiều du khách cũng đã cắt, hủy, hoãn các chương trình du lịch đến Quảng Ninh.

Cần sự thông cảm, chia sẻ 

Các công ty lữ hành tổ chức khách đến đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn trả kinh phí cho khách đã đặt trước, do kinh phí khách đã đặt cọc cũng đã được đặt dịch vụ tại điểm đến.

Các hãng hàng không sẽ xem xét trả lại tiền vé đối với những chuyến bay đến vùng có dịch bị hủy sau 45 ngày hoặc một mốc thời gian do hãng đặt ra. Là doanh nghiệp nên cũng phải trả đủ tiền vé, tiền dịch vụ mới bảo đảm có vé cho khách khi triển khai tour. Do tình hình bất khả kháng nên buộc phải hủy, vì vậy mong khách hàng thực hiện theo cam kết hợp đồng ban đầu, chờ đợi các bên cùng giải quyết để có kết quả tốt nhất.

Mặt khác, để đảm bảo tour cho khách hàng, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải đặt cọc và thanh toán với các đối tác tiền vé máy bay, vé tàu, khách sạn và tất cả những dịch vụ liên quan đến chuyến đi của khách. Do đó, khi chưa có quyết định chính thức của chính quyền, nếu báo hủy, các đối tác sẽ phạt doanh nghiệp.

Ngay cả khi có quyết định giãn cách xã hội, các đối tác hàng không, khách sạn hầu hết đều chỉ chấp nhận cho đổi ngày, bảo lưu tiền cọc chứ không hoàn tiền... khiến cho doanh nghiệp rất khó khăn trong việc giải quyết với khách hàng của mình vì có nhiều trường hợp khách không chia sẻ, đòi doanh nghiệp trả lại tiền. Vì sự an toàn của khách hàng, các doanh nghiệp đã chủ động hủy tour, vì thế, nhiều doanh nghiệp khi làm thủ tục hủy tour cho khách hàng đều mong muốn nhận được sự thông cảm, chia sẻ, yêu cầu khách phối hợp cùng doanh nghiệp chờ đợi các đối tác xử lý đơn hủy bảo đảm quyền lợi cho các bên.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch các tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đưa khách bàn thảo việc hoàn lại kinh phí đã đặt dịch vụ do khách hoãn, hủy chương trình du lịch. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch các địa phương vận động các doanh nghiệp du lịch có biện pháp phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch đề nghị các cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương trên cả nước vận động đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại, không phạt hủy, hoãn, đồng thời hoàn tiền cho doanh nghiệp lữ hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.

Thái Hải