Khởi động từng bước, có kiểm soát

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, trong 9 tháng qua, ngành Du lịch tiếp tục gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ và “đóng băng”, nhiều lao động mất việc hoặc chuyển nghề. 

Nhận định tình hình ở mỗi địa phương mỗi nơi một khác, việc phục hồi hoạt động du lịch cũng cần lộ trình cụ thể, theo Tổng cục Du lịch, lộ trình mở cửa du lịch cần thực hiện theo từng giai đoạn, từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa rồi tới du lịch quốc tế, từng bước chắc chắn trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Việc khôi phục lại hoạt động du lịch sẽ được thực hiện tại các khu vực có nguy cơ thấp “cấp 1 - điểm đến an toàn”, tiến tới “kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch”. Đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội an toàn nhằm sớm phục hồi hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan, trên tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, ngay từ tháng 10, cần tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, ban hành tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro… Đồng thời, triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch và đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.

Từ tháng 11, triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng, chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch; xác định điểm đến an toàn với các yêu cầu liên quan về tiêm vắc xin, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-Covid.

Mặt khác, việc thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc từ tháng 11/2021- 3/2022 cũng phải được đánh giá hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh mô hình thí điểm phù hợp yêu cầu thực tiễn. Sau đó, mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu từ tháng 12/2021- 6/2022 như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng). Có thể mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6/2022.

Khôi phục hoạt động du lịch tại các “vùng xanh”

Để làm được điều này, các chuyên gia du lịch cho rằng, các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 và xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vắc xin, có chứng nhận tiêm chủng) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vắc xin) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất, gây ách tắc giao thông, du lịch giữa các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hộ chiếu vắc xin cũng cần có quy định cụ thể để chuẩn bị lộ trình đón khách du lịch quốc tế.

Để thu hút du khách, nhiều doanh nghiệp cho rằng phải liên kết được các điểm đến xanh giữa các tỉnh, thành phố nhằm tạo được sản phẩm du lịch vừa hấp dẫn, vừa an toàn. Các chuyên gia du lịch nhấn mạnh việc cần thiết phải khôi phục hoạt động du lịch tại các “vùng xanh”, tiến tới kết nối các điểm đến an toàn, sau đó phục hồi hoạt động du lịch nói chung phù hợp với tình hình. Đây chính là bước đệm chuẩn bị cho những bước đi dài hơi hơn, xa hơn là tiến đến đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh cho phép.

Đơn cử, Quảng Ninh đang thực hiện việc kích cầu du lịch nội tỉnh với phương châm an toàn đến đâu, mở cửa đến đó và với sự vào cuộc của tất cả các sở, ngành địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh cố gắng trong 3 tháng cuối năm 2021 đạt 900.000 lượt khách nội tỉnh.

Quảng Ninh và Hải Phòng cũng đang xây dựng phương án phối hợp thí điểm mở lại hoạt động du lịch, trao đổi khách, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giữa 2 địa phương. Hiện nay tỉnh Quảng Ninh vẫn đang gấp rút hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân, dự kiến hết tháng 10 này, người dân toàn tỉnh sẽ cơ bản được tiêm mũi 2.

Quảng Bình cũng là tỉnh cho phép doanh nghiệp đón khách du lịch đã tiêm vắc xin tham gia các tour khép kín, không tự do hoạt động bên ngoài từ ngày 1/10. Tỉnh cũng ban hành hướng dẫn du lịch an toàn và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp đón khách, thiết kế tour tuyến, đồng thời sẽ tạo "hành lang xanh" giữa Quảng Bình với các điểm du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tương tự tại Đà Nẵng, ngành Du lịch đang hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ. Theo đó, trong tháng 12/2021, nếu công dân được tiêm vắc xin đạt 80% thì thành phố sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch cho người dân đi du lịch nội bộ…

Hay như tại Khánh Hòa, tỉnh đã xây dựng lộ trình đón khách, trong đó áp dụng đón khách nội tỉnh từ 1/10 - 15/10 và khách du lịch phải có thẻ xanh và thẻ vàng Covid. Giai đoạn 2, từ 16/10, Khánh Hoà sẽ đón khách nội địa tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn phòng, chống Covid-19, khách cũng phải có thẻ xanh và thẻ vàng Covid. Giai đoạn 3 thực hiện từ 16/11 - 31/12.

Khánh Hoà cũng đề nghị Bộ VHTTDL báo cáo Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vắc xin từ cuối năm 2021…

Mặt khác, cần thống nhất các tiêu chí du lịch an toàn, hướng dẫn các địa phương và các địa phương phải công bố các khu điểm du lịch an toàn, thống nhất quy trình đi lại, cách thức triển khai mở cửa đón khách an toàn.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác xúc tiến quảng bá, sáng tạo các giải pháp kích cầu du lịch bằng việc đa dạng các tiện ích, trải nghiệm cho du khách, đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn…

Bài 2: Tái khởi động du lịch trong trạng thái bình thường mới

Thái Hải