Ký ức

Bên cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử và ngã ba rẽ vào Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, căn nhà bom của lão nông Trần Văn Chức nằm ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Từ cánh cổng và hàng rào những vỏ bom, đạn pháo, cả những hố bom, hầm chữ A… được dựng lên như cuộc sống của người dân “tuyến lửa” Vĩnh Linh cách đây nửa thế kỷ trước.

Tại đây, cũng là nơi đặt tấm bia đá lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn và cây bồ đề của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trồng khi xây dựng bia đá. Căn nhà mái cọ, 3 gian ấm cúng trái ngược với những vỏ thép lạnh được dựng lên ở bên ngoài.

Ngay giữa gian nhà là dòng chữ như tâm nguyện của lão nông Trần Văn Chức khi xây dựng nên căn nhà này: “Nhà bom - lưu giữ kỷ vật chiến tranh. Tôn vinh giá trị lịch sử dân tộc”. Với chất giọng đậm chất địa phương, ánh mắt của lão nông Trần Văn Chức ẩn chứa những tâm tình về dự án mà ông đang theo đuổi hàng chục năm qua.

“Đây là những hiện vật, kỷ vật mà tôi đã sưu tầm hơn 20 năm qua. Tôi mở cửa tự do để tất cả mọi người đến tham quan, tìm hiểu, đặc biệt thế hệ trẻ có thể thấy và hiểu được chiến tranh tàn khốc đến mức nào. Để thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ và tri ân công lao của cha ông ta đã đổ biết bao xương máu cho độc lập của dân tộc”, ông Chức chia sẻ.

Đó là những mất mát, đau thương trong chiến tranh khi gia đình ông có đến 7 người thân là liệt sĩ.

leftcenterrightdel
 Căn nhà bom trở thành địa chỉ ghé thăm của những cựu chiến binh và du khách, học sinh gần xa. Ảnh: Minh Tân

“Tôi sinh năm 1969 và lớn lên với ruộng đồng quê nhà ngay bên dòng sông Bến Hải, với ánh đèn leo lét trong căn hầm chữ A dưới lòng đất. Tiếng khóc chào đời hòa lẫn trong tiếng bom rơi, đạn nổ. Trong những năm tháng chiến tranh, bình quân trên đầu mỗi người dân Vĩnh Linh phải chịu hơn 7 tấn bom đạn hủy diệt khi ngày đêm phải đối mặt với đủ loại bom, đạn. Trước mưa bom, bão đạn, nhân dân Vĩnh Linh vẫn chiến đấu anh dũng và cùng các đơn vị chủ lực bắn rơi 293 máy bay các loại, trong đó có 7 pháo đài B52, bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến...”, ông Chức nhớ lại.

Lưu giữ cho hôm nay và mai sau

Sau ngày đất nước thống nhất, người dân Vĩnh Linh bước ra khỏi chiến tranh, từ khói lửa hoang tàn, đổ nát, mất mát, hi sinh lớn lao và bắt tay xây dựng lại từ đầu và từng bước hồi sinh. Những quả bom, đạn pháo… được người dân nơi đây biến thành vật dụng cuốc, xẻng, đèn dầu, kẻng báo hiệu… để hồi sinh mảnh đất này.

“Lớn lên bên dòng sông Bến Hải, ký ức đó vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Đó là những năm tháng đau thương nhưng hào hùng của dân tộc ta. Nơi mảnh đất một phần là đất, ba phần là sắt thép này trở thành chứng tích của một giai đoạn lịch sử. Thế nhưng, những hiện vật ngày càng mai một đi nên tôi nghĩ đến việc xây dựng căn nhà nhằm lưu giữ lại những ký ức này”, ông Chức tâm sự.

20 năm qua, cứ chắt chiu, gom góp từng tí một, từ những vỏ bom tấn, bom tạ (mà người dân nơi đây hay gọi) đến những vỏ đạn pháo, vỏ bom bi… từ số tiền ông dành dụm, kinh doanh.

“Có những vỏ bom, hiện vật tôi phải đi tìm kiếm, bỏ ra số tiền lớn để sở hữu khi mà sau này nhiều người cũng sưu tầm các kỷ vật chiến tranh như tôi”, ông cho biết.

Để hiện tại, ông sở hữu khoảng 300 vỏ bom các loại cùng hàng nghìn vỏ đạn pháo cùng các hiện vật của những năm tháng không thể nào quên của người dân Vĩnh Linh. Đặc biệt hơn, từ những vỏ bom tấn như AN.M66 A1, bom tạ như AN.M65, M117, AN.M64… có bán kính gây sát thương hàng km được ông Chức “biến” thành căn nhà bom.

Mất vài tháng để hoàn thiện căn nhà bom, từ hơn 100 vỏ bom, vỏ đạn pháo với sự kỳ công và tỉ mỉ cũng như bỏ ra một khoản chi phí khá lớn. Trong không gian của căn nhà là hàng nghìn hiện vật của những năm tháng chiến tranh được ông trưng bày.

leftcenterrightdel
 Lão nông Trần Văn Chức cùng hàng nghìn hiện vật trong căn nhà bom. Ảnh: Minh Tân

Đó là những ngọn đèn dầu từ vỏ bom bi, thùng đựng, bi-đông, từ vỏ pháo sáng hay từ các loại ba lô, áo trấn thủ, mũ cối, máy điện đàm… của bộ đội ta đến các vỏ đạn pháo, mìn, bom, thùng đựng đạn… của quân đội Mỹ. Không chỉ có ý nghĩa sưu tầm mà những kỷ vật mang ý nghĩa hết sức to lớn về lịch sử. Tất cả hiện vật khiến người xem cảm nhận phần nào về một giai đoạn chiến tranh hào hùng, ác liệt và đầy gian khổ của dân tộc.

Bà Khổng Thị Thủy (sinh năm 1954, ở Bắc Giang), cựu chiến sỹ Tiểu đoàn 69, Cục Công binh, Bộ Tư lệnh 559 trong lần trở lại Quảng Trị thăm chiến trường xưa, nhìn lại những hiện vật đã không giấu được sự xúc động. “Thấy những hiện vật mà các chiến sỹ gửi lại thời tuổi trẻ để cho đất nước yên bình như hôm nay, những người lính năm xưa như chúng tôi biết rằng chúng tôi không hề bị quên lãng”, bà Thủy nói.

Minh Tân