Chiều cuối năm, như bao người dân Việt Nam khắp mọi miền Tổ quốc sửa sang bàn thờ gia tiên, người dân thị xã Quảng Trị cẩn thận chỉnh trang lại những bàn thờ vọng các Anh hùng liệt sĩ. Những bông hoa đẹp nhất, nén hương thơm nhất được dâng và thắp lên. Khói hương bảng lảng quyện vào từng góc phố yên bình đến lạ.

Thời chiến tranh, mảnh đất thị xã Quảng Trị nhỏ bé đã phải gánh chịu hơn 300.000 tấn bom đạn các loại. Đã có hàng nghìn chiến sĩ chiến đấu, anh dũng nằm lại mảnh đất này ở tuổi thanh xuân, anh linh các anh đã hòa vào đất thiêng Thành cổ, vào dòng sông Thạch Hãn xanh trong.

Trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Thạch Hãn, như thường lệ chị Đỗ Thị Vinh (55 tuổi), phường 2, thị xã Quảng Trị sửa soạn lại bát nhang, hương hoa cho 4 am thờ các liệt sĩ nơi khuôn viên của gia đình. Bộ bàn ghế đá trước am thờ cũng được lau chùi sạch sẽ, bày thêm ấm trà với bao thuốc lá thơm để các anh về quây quần bên nhau.

leftcenterrightdel
Ngày cuối năm, chị Đỗ Thị Vinh chăm chút lại ban thờ vọng các liệt sĩ trong khuôn viên nhà mình. Ảnh: Minh Tân

Căn nhà chỉ vài trăm mét vuông bên bờ sông Thạch Hãn của gia đình chị trong một lần làm nhà phát hiện hài cốt liệt sĩ. Rồi những lần mở rộng tìm kiếm khác nhau mà tâm linh chị được mách bảo, chỉ trong 10 năm, trong khuôn viên căn nhà, gia đình chị 5 lần phát hiện 23 hài cốt liệt sĩ cùng nhiều di vật như bi đông, dép cao su… May mắn, trong đó có 2 liệt sĩ xác định được tên tuổi.

Chị tâm sự, gia đình có 7 người là liệt sĩ và có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. May mắn 7 liệt sĩ đều quy tập về trong nghĩa trang gia đình. 21 liệt sĩ được gia đình chị tìm thấy không xác định được tên tuổi, quê quán đã được chính quyền địa phương, gia đình quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Quảng Trị. Cân cấn nỗi lòng, chị lập 4 am thờ nơi các anh được tìm thấy, hương khói cho các anh như người thân. Ngày 27/7 hàng năm, gia đình tổ chức đám giỗ chung cho các anh với lòng biết ơn, thành kính.

“Nhiều người nơi khác tới có lẽ không hiểu khi quanh nhà mình có nhiều am thờ đến vậy. Thế nhưng với gia đình thì đó là lòng thành kính, tri ân, chăm lo hương khói cho các anh mong các anh luôn được ấm lòng. Căn nhà của mình cũng là nơi ấm áp để các anh ghé về”, chị Vinh chia sẻ.

leftcenterrightdel
Chị Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị chuẩn bị mâm lễ cúng anh linh các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Minh Tân 

Cũng như gia đình chị Vinh, mỗi góc phố hay con hẻm nhỏ của thị xã nhỏ bé này luôn có những am thờ vọng được cất lên khang trang trong khuôn viên nhà hay ngoài góc phố. Bởi, dù đã hơn nửa thế kỷ qua, mỗi lần thi công các công trình, người dân thị xã lại tìm thấy những di vật hay hài cốt liệt sĩ dưới lớp đất thiêng Thành cổ. Vì vậy, mỗi lần thi công, người dân nơi đây cẩn thận kiểm tra từng thớ đất để tìm kiếm.

Chiều cuối năm, những am thờ vọng được chỉnh trang, bày biện hoa quả, thay bình hoa mới… trong khói hương thơm quyện lên trời, người dân thị xã chắp tay khấn nguyện mời các anh về chung vui Tết Nguyên đán với mâm cơm ấm cúng cùng gia đình mình.

Như thông lệ nhiều năm qua, từ ngày 23 tháng Chạp, chính quyền cùng nhân dân thị xã Quảng Trị tổ chức bữa cơm cuối năm cho anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi mảnh đất Thành cổ. Bữa cơm ấm cúng được tổ chức nơi Nghĩa trang Liệt sĩ, Bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc - nơi anh linh các anh còn mãi bên bờ sông Thạch Hãn và mảnh đất thiêng này.

leftcenterrightdel
 Thành thông lệ, từ ngày 23 tháng Chạp đến Giao thừa, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị tổ chức các mâm cơm cuối năm như sự tri ân, biết ơn đến các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Ảnh: Minh Tân

Trong khuôn viên Khu di tích Thành cổ Quảng Trị, vào trước thời khắc Giao thừa hàng năm, các cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị tất bật chuẩn bị mâm cơm Tất niên cho các Anh hùng liệt sĩ. Mâm cơm đơn sơ như bao gia đình Việt được chuẩn bị sẵn. “Bữa cơm có bánh chưng xanh, dưa món, những món ăn dân giã người Việt. Thắp nén hương thơm, chúng tôi kính cẩn mời các anh, các chú về cùng dùng bữa cơm cuối năm với anh, chị em của ban”, chị Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Sau thời khắc Giao thừa, người dân thị xã Quảng Trị đến dâng hương, dâng hoa anh linh các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Minh Tân

Khi tiếng chuông thiêng nơi Đài Tưởng niệm vang lên, lan xa 4 phương mang lời thỉnh nguyện các anh về sum vầy, dự bữa cơm Tất niên cùng đồng đội. Trong khói hương thơm, những cán bộ, nhân viên kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến công ơn các Anh hùng liệt sĩ. “Tôi tin rằng các anh, các chú vẫn còn mãi ở đây, ranh giới âm dương không cách biệt. Ngoài ngày giỗ lớn cho anh linh các Anh hùng liệt sĩ vào ngày 27/7 hàng năm thì cuối năm và thời khắc Giao thừa, chúng tôi cũng lo cho các anh, các chú được đoàn tụ, sum vầy bên mâm cơm ấm cúng”, chị Cáp Thị Thiên Trang bày tỏ.

Chẳng biết từ bao giờ, sau thời khắc Giao thừa, người dân thị xã Quảng Trị thường xuất hành đến với Thành cổ thiêng liêng để bắt đầu năm mới. Từng dòng người bước khẽ giữa đất thiêng Thành cổ và kính cẩn dâng lên những nén hương thơm tỏ lòng thành kính trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.

Trong khói hương trầm mặc, thời khắc năm mới nơi Thành cổ đầy thiêng liêng, xúc động người dân nơi đây tin rằng, các anh còn mãi, các anh đã hóa mình vào từng nhành cây, ngọn cỏ, từng nắm đất thiêng của Tổ quốc.

Minh Tân