Chợ cóc... "tái xuất"

Sau 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 22 về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, TP yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt, không phát sinh các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn TP.

Quy định là vậy, nhưng thực tế, tại nhiều nơi, chợ cóc, chợ tạm đã "tái xuất" giữa lúc dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ngoài cộng đồng.

Theo tìm hiểu của PV, tại nhiều nơi ở các quận, huyện như: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Trì... chợ cóc, hàng rong họp từ sáng sớm ngay bên lề đường, trong các ngõ nhỏ… Rất đông “người mua kẻ bán”, nhưng không đảm bảo giãn cách, cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Tại 1 con ngõ trên địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, những người bán hoa quả, thực phẩm, đồ ăn sáng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, cả người bán lẫn người mua đều không đảm bảo việc giãn cách và phòng dịch theo quy định.

Tương tự, trên đường 70 cũng xuất hiện chợ cóc mọc ngay ven đường, hoạt động từ sáng đến tối, cảnh mua bán diễn ra tấp nập, nhất là vào những buổi chiều.

Tại các tuyến phố Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) liên tục xuất hiện các gánh hoa quả bán rong, xe đẩy kinh doanh đồ ăn vặt đứng ngay giữa nga ba đường buôn bán.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các chợ cóc, chợ tạm lại ngang nhiên hoạt động, bất chấp lệnh cấm mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý?

Người dân sống xung quanh khu chợ cóc ở Thanh Trì chia sẻ: Tình trạng chợ cóc đã hoạt động ngang nhiên cách đây 2 tuần sau khi TP nới lỏng 1 số hoạt động. Thi thoảng có lực lượng công an đi tuần tra, nhắc nhở, yêu cầu dừng hoạt động, nhưng khi công an khuất bóng thì chợ lại hoạt động trở lại. Đáng lo ngại là hoạt động mua bán không đảm bảo quy định 5K…

Theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm luôn là việc khó của chính quyền địa phương bởi việc giải tỏa chủ yếu do cán bộ các phường, xã thực hiện, nhưng lực lượng này “mỏng”, chế tài xử phạt… “nhẹ”.

Ngoài ra cũng có nguyên nhân khác là các quận nội thành thiếu chợ dân sinh, người tiêu dùng lại có thói quen tiện đâu mua đấy, ít chú trọng nguồn gốc hàng hóa, là điều kiện để chợ cóc, chợ tạm mọc lên. Đặc biệt, các "điểm đen" tại địa bàn giáp ranh càng dễ tái phạm do các tiểu thương hay di chuyển giữa các địa bàn để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

leftcenterrightdel
Chợ cóc "tái xuất" tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: HH 

Vẫn biết một bộ phận người dân giữ thói quen mua bán tại chợ cóc, chợ tạm cho "tiện", nhưng vào thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì việc tụ tập tại chợ cóc, chợ tạm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn. Việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm là khó, nhưng không phải không làm được, nếu như có chế tài mạnh tay hơn.

Mã QR... "có cũng như không"!

Để bảo vệ thành trì chống dịch, TP Hà Nội cũng quy định tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… phải dán mã QR để thuận tiện cho việc truy vết nhanh chóng, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên thực tế tại nhiều nơi mã QR “có cũng như không” vì chỉ dùng để đối phó với các đoàn kiểm tra.

Tại các tuyến phố, siêu thị, chợ dân sinh… trên địa bàn TP, hầu hết các địa điểm kinh doanh đều được dán mã QR trước cửa ra vào hoặc những vị trí thuận lợi cho khách hàng dễ quét mã.

Kinh doanh hoa quả tại đường Phùng Hưng (quận Hà Đông), chị Khánh Linh cho biết: Cửa hàng có dán mã QR yêu cầu khai báo y tế, nhưng nhiều người mua hàng không khai báo và chỉ khai báo khi được nhắc nhở. Hàng ngày cửa hàng tiếp hàng trăm lượt khách, nhiều khi khách vào mua vội, hoặc những lúc đông khách, nên chủ cửa hàng không thể quản lý hết việc khách có quét mã QR hay không.

Tình trạng người mua phớt lờ quy định quét mã QR cũng diễn ra tại một số cửa hàng quần áo ở khu vực đường Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám (Hà Đông). Tại đây cửa hàng nào cũng được dán mã QR ở ngay cửa ra vào để khách dễ nhìn thấy, nhưng không phải ai cũng nhớ dừng lại quét.

Chị Nguyễn Khánh Huyền ở Tân Triều, Thanh Trì chia sẻ: Tôi đi mua quần áo nhưng quên điện thoại ở nhà. Nhân viên cửa hàng nào yêu cầu thì mới khai báo bằng bản giấy, còn nếu không nhắc nhở thì cũng bỏ qua.

Thực tế cho thấy, các chủ hàng đều nắm được quy định bắt buộc phải tạo điểm quét mã QR để kiểm soát người ra vào cửa hàng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tâm lý chủ quan, dễ dãi khi người mua “quên” không quét mã QR. Anh Duy Quyền, nhân viên cửa hàng cắt tóc tại Khu Đô thị Xa La, Hà Đông cho hay, nhân viên cửa hàng có nhắc nhở nhưng không phải khách hàng nào cũng sử dụng điện thoại thông minh hay tải ứng dụng PC COVID để quét mã QR. Vì vậy, với nhiều khách hàng, cửa hàng phải ghi lại thông tin, số điện thoại vào sổ thay vì quét mã QR.

Những ngày qua, Hà Nội vẫn xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Vì vậy, việc để các chợ cóc, chợ tạm “tái xuất” cùng với nhiều chủ cửa hàng, người dân không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Thiết nghĩ, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, để Thủ đô sớm được quay trở lại cuộc sống bình thường.

Hải Hà