Trong các ngày 9, 10/10, cá chết hàng loạt diễn ra ở Hào Thành cổ; UBND TP Vinh đã chỉ đạo Công ty Cổ phần (CP) Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh khẩn trương vớt cá chết mặt hồ, giải quyết ngay tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Hào Thành cổ.

Chính quyền các phường Cửa Nam, Quang Trung và Đội Cung đã phối hợp Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An trực tiếp huy động nhân lực tổ chức vớt cá chết nổi trên mặt kênh để tập kết, rắc vôi bột khử trùng, khử mùi để tiến hành tiêu hủy, chôn lấp.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết nổi hàng loạt, theo đại diện UBND TP Vinh, hiện tượng này diễn ra và lặp lại hàng năm vào tháng 7 đến tháng 9 khi mùa mưa đến. Khi nguồn nước trên kênh đã bị ô nhiễm lâu nay, kết hợp với thời tiết diễn biến mưa, nắng thất thường gây xung nhiệt, dẫn đến cá chết. Trong đó chủ yếu do trời nắng nóng cộng thêm thời tiết biến đổi nhanh, mưa giông thất thường làm sốc nhiệt.

Liên quan việc chỉ đạo xử lý sự cố này, theo đánh giá của UBND TP Vinh, việc ứng phó của Công ty Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh rất chậm, khi không có công nhân, không có lãnh đạo chỉ đạo xử lý nên số lượng cá chết ngày càng nhiều, công tác vớt cá, xử lý môi trường chậm, cá phân huỷ bốc mùi hôi thối khiến cho người dân xung quanh, dư luận hết sức bức xúc.

Trước tình hình này, hôm qua (11/10), lãnh đạo UBND TP Vinh đã phê bình Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh do chưa thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước Hào Thành cổ theo hợp đồng với UBND TP; thụ động, chưa quyết liệt trong công tác vớt cá chết, xử lý môi trường khi sự cố xảy ra, mặc dù lãnh đạo UBND thành phố, các phòng chuyên môn đã trực tiếp chỉ đạo.

Tại Văn bản 5654/UBND-TNMT ngày 11/10/2023 do Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Quang Lâm ký đã giao Phòng Nội vụ xem xét trách nhiệm của Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh trong công tác vận hành hệ thống thoát nước và trách nhiệm khi xảy ra sự cố cá chết.

Để giải quyết tình trạng cá chết, ô nhiễm môi trường tại khu vực Hào Thành cổ, UBND TP đã chỉ đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An chủ trì, phối hợp UBND các phường Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung huy động lực lượng, tổ chức vớt cá chết ở khu vực Hào Thành cổ đảm bảo kịp thời, hạn chế ô nhiễm môi trường. Lưu ý bố trí cán bộ theo dõi, vớt cá chết kịp thời trong những ngày tới. Đồng thời, tổ chức đánh bắt lượng cá trong hào, tránh tình trạng cá phát triển mạnh, chết hàng loạt.

UBND TP cũng giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP Vinh giám sát và xác nhận khối lượng thực hiện của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An; UBND các phường có trách nhiệm xác nhận, giám sát cộng đồng.

Đối với Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để đánh giá lập phương án sửa chữa, thay thế máy móc hư hỏng, vận hành hệ thống nước thải tại Hào Thành cổ nói riêng, trên địa bàn TP nói chung đảm bảo theo đúng quy trình được phê duyệt, hạn chế tối đa để nước thải chảy vào hồ điều hòa, các sông trên địa bàn.

Theo ghi nhận của PV, vào sáng 12/10, tình trạng cá chết nổi trắng bụng và phân hủy nhiều trên dọc kênh của hào còn diễn ra. Tình trạng này chưa được xử lý dứt điểm đã gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước kênh cũng như môi trường sống tại các dân cư.

Trao đổi với ông Hoàng Hồng Khanh, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh, chúng tôi được biết: Hiện tượng cá chết dọc Hào Thành cổ những ngày qua đang được phía công ty phối hợp các đơn vị liên quan và các phường tập trung vớt cá, xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên, việc khắc phục chưa triệt để vì số cá chết này chủ yếu là cá rô phi, đây là mùa sinh sản của loài này nên cá rất nhiều, khi chết rất dày đặc. Khi xử lý hết trên mặt nước của kênh thì sau một đêm lại phát hiện nhiều vị trí cá nổi trắng vì còn một lớp cá chết từ nhiều giờ và trong các ngày trước đến thời điểm nổi lên mặt nước, phơi trắng bụng rồi phân hủy, gây nên mùi hôi thối như phản ánh.

"Cá sinh sản quá nhiều. Vớt hôm nay xong rồi thì có loại chết tiếp chìm dưới rồi ngày mai lại nổi lên nên thỉnh thoảng lại có. Hôm qua chúng tôi vớt sạch bóng luôn nhưng hôm nay lại có, cá nổi lên nên sáng nay anh em tiếp tục làm", ông Khanh cho biết.

Liên quan việc xem xét, chỉ đạo vớt cá chết mà TP phê bình, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh lý giải: TP phê bình rõ ràng nhưng đơn vị có cái khó vì xử lý rồi nó lại nổi lên. Công ty đã phối hợp Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An vớt sạch nhưng khó dứt điểm. Giờ cứ tiếp tục thế này thì lại bị phê bình.

Nhận định về nguyên nhân cá chết hàng loạt, ông Hoàng Hồng Khanh nhìn nhận, không chỉ ở Nghệ An mà khắp cả nước khi loài cá rô phi này là giống lai tạp, phát triển rất nhanh, nhất là đầu mùa mưa rất thuận lợi cho phát triển. Với lượng cá nhiều như thế nhưng trong các hồ này không có thức ăn, khi ở các cửa sông, mưa đến nó lên để sinh sản trong khi nước đặc mà không có ăn thì nó sẽ chết, kèm với nguồn nước bẩn và cả bùn rác nữa sẽ làm nó chết nhanh. Nếu ít cá chắc chắn sẽ không dẫn đến hiện tượng như vậy.

Ông Khanh cũng cho biết, "nước trong hào là nước thải, không có nước nào thay nước đó được. Khi mưa to thì bùn, rác thải trôi theo. Để khắc phục trong điều kiện này thì phải có khay nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng rất khó, vì hồ Hào Thành cổ không có nguồn nước nào cả mà chủ yếu sử dụng nước thải (tương tự hồ Vinh Tân, hồ Công viên), không như các hồ khác như Hồ Goong là nước chủ yếu từ trên các tuyến đường xuống, ít dân cư".

Ông Phú Văn Phượng, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An cho biết, trước hiện tượng cá chết ở dọc Hào Thành cổ, lãnh đạo TP đã chỉ đạo giải quyết cấp bách. Đơn vị đã cử cán bộ và nhân viên xuống phối hợp và tiến hành vớt cá chết, thu gom rác thải, xử lý môi trường.

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã có văn bản đề nghị UBND huyện TP Vinh chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra giải quyết và báo cáo theo quy định.

Xuân Thống