Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, xử lý các cơ sở thu mua chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh tại Văn bản số 5022-CV/VPTU ngày 10/5/2024; chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang về tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm túc, dứt điểm các vi phạm tại các điểm thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn tỉnh tại Văn bản số 6800/UBND-NN ngày 16/5/2024; Sở NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 2688/SNN&PTNT-CCKL ngày 22/5/2024 về tập trung các biện pháp xử lý triệt để, dứt điểm các vi phạm tại các cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo, tại huyện Như Thanh và huyện Triệu Sơn đến ngày 15/6/2024, các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm trên địa bàn huyện đã chấp hành nộp tiền phạt vi phạm hành chính (VPHC) và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Huyện Lang Chánh, có 7/7 cơ sở vi phạm trong lĩnh đất đai, môi trường đã chấp hành quyết định xử phạt VPHC của cấp có thẩm quyền và khắc phục hậu quả.

Ngày 24/6/2024, UBND huyện Như Xuân có báo cáo, đối với Công ty TNHH Ngô Huy Dũng, UBND thị trấn Yên Cát đã kiểm tra, lập biên và ban hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai, tiền phạt 4 triệu đồng; đối với Công ty Cổ phần TCT Việt Nam, địa chỉ xã Bãi Trành, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đã hết thời hiệu xử lý VPHC, UBND huyện không ban hành quyết định xử phạt VPHC. Đến thời điểm báo cáo các cơ sở vi phạm đã chấp hành nộp tiền phạt và chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với các cơ sở vi phạm có vị trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, hiện UBND huyện Như Xuân đang chỉ đạo, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Tại UBND huyện Cẩm Thủy, đơn vị đã chỉ đạo kiểm tra toàn diện các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn, kết quả có 14 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, trong đó có 9 cơ sở xây dựng nhà xưởng, trạm cân, các công trình trên đất nông nghiệp, đất UBND xã, đất nông lâm trường quản lý và 5 cơ sở xây dựng nhà xưởng trên đất ở của hộ hoặc thuê lại của hộ gia đình, cá nhân khác. Đến thời điểm báo cáo có 8/14 cơ sở vi phạm đã chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm và tạm dừng hoạt động, tổng số tiền phạt 55 triệu đồng. Hiện còn 6/14 cơ sở vi phạm chưa chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Đối với huyện Thường Xuân, đến thời điểm hiện nay đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn diện 49 cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn, kết quả đã chỉ đạo đóng cửa, tháo dỡ công trình, di dời máy móc, thiết bị đối với 8 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang sông suối và hành lang giao thông, trong đó đã xử phạt VPHC đối với cơ sở ông Nguyễn Trọng Tuấn, xã Luận Thành, số tiền 4 triệu đồng; yêu cầu dừng hoạt động đối với 17 cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đảm bảo đủ điều kiện... Hiện nay, UBND huyện Thường Xuân tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, các ngành kiểm tra, xác định hành vi vi phạm đối với 14 cơ sở chưa đủ điều kiện đang tạm dừng hoạt động.

Đến ngày 25/6/2024, các huyện chưa xử lý xong các cơ sở sản xuất keo trái phép, gồm: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân. Các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Triệu Sơn, Lang Chánh đã chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm của cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn.

Trên cơ sở này, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị các địa phương trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, chủ tịch UBND các huyện phải báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, giải quyết. Các huyện nghiên cứu các giải pháp, hướng dẫn cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng đủ các điều kiện khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật để các cơ sở sớm đi vào hoạt động sản xuất hiệu quả, bền vững.

Văn Thanh