Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN cho biết, qua 30 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan từ Trung ương đến địa phương; sự chung sức, đồng lòng của các thế hệ cán bộ nhân viên ngành Y tế, Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên, phong trào HMTN ở nước ta đã phát triển từng ngày, từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Thống kê cho thấy, đến hết năm 2023, Việt Nam đã tiếp nhận trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu. Năm 1994, năm đầu tiên phát động phong trào, lượng máu mới chỉ tiếp nhận được 138.000 đơn vị, tỷ lệ HMTN đạt 14,5%. Từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm tiếp nhận đều đạt trên 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận năm 2023 là trên 1,55 triệu đơn vị máu, cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ HMTN đã đạt 99%, tương đương với 1,5% dân số hiến máu.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, thông qua Chiến dịch Vận động HMTN dịp Tết - Lễ hội Xuân hồng, Chủ Nhật đỏ và hưởng ứng Ngày “Toàn dân HMTN” toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 800.000 đơn vị máu.

Đặc biệt, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN. Đến nay, 100% đơn vị cấp tỉnh; 99,2% đơn vị cấp huyện và 86% đơn vị cấp xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Vận động HMTN.

Bên cạnh đó, đã có hàng nghìn câu lạc bộ vận động HMTN, hàng trăm câu lạc bộ hiến máu dự bị, câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm và nhiều điểm hiến máu cố định đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả tại các địa phương.

Hiện cả nước có 5 trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu; do đó, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như bệnh viện tuyến Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, hoạt động HMTN đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, ba thập kỷ qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về HMTN. Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo…

Năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN tổ chức các hoạt động tôn vinh 100 người HMTN tiêu biểu toàn quốc, với các hoạt động được diễn ra từ ngày 13 - 15/6/2024 tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Chuỗi các hoạt động gồm có: Giao lưu và đón tiếp đại biểu tại Hà Nội, Hành trình “Về miền Đất Tổ”, Chủ tịch Quốc hội gặp mặt và tặng quà cho người hiến máu tiêu biểu, báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình, Lễ Tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc 2024.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo tính toán, mỗi năm, cả nước cần khoảng 2 triệu đơn vị máu để đáp ứng các nhu cầu cấp cứu, điều trị, hiện nay chỉ có khoảng 1,5 triệu đơn vị máu được hiến tặng. 

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, đây là con số cho thấy cần lan tỏa hơn nữa để phát triển phong trào HMTN. Nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về và dịp hè, tình trạng thiếu máu lại tiếp diễn trên cả nước. Đây cũng là thời điểm cấp thiết, cần rất nhiều người hiến máu nhân đạo cứu người.

Do vậy, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, vận động hiến máu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại và mạnh mẽ hơn, tạo ra các chương trình, sự kiện hiến máu đa dạng, hấp dẫn để thu hút người dân tham gia.

Để phong trào HMTN bền vững hơn, các chuyên gia trong ngành cho rằng cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Bởi chỉ khi mỗi người dân đều nhận thức được ý nghĩa, lợi ích của việc hiến máu, phong trào này mới thực sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ hay các tổ chức, việc tham gia hiến máu cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Phương Anh