Tín dụng chính sách là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Chính phủ, của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Việc triển khai tín dụng chính sách ở vùng đặc biệt khó khăn như huyện Mù Cang Chải đã khơi thông, tạo bước đệm giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thêm tư liệu sản xuất, từ đó cải thiện và nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

leftcenterrightdel
Mô hình nuôi cá nước lạnh của hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoàng Yên 

Là hộ được đánh giá sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, anh Hờ A Sử, bản Pú Cang, xã Nậm Khắt cho biết: “Năm 2022, tôi vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để đầu tư trang trại nuôi cá tầm, cá hồi. Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình nuôi cá đã cho thu nhập đáng kể, cuối năm 2023 tôi bán ra thị trường trên 2 tấn cá, với số tiền thu được gần 600 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí thu về gần 300 triệu đồng”.

Không dừng lại ở đó, Hờ A Sử tiếp tục dùng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi đầu tư, mở rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn… mô hình này cũng cho thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng, giúp gia đình có thu nhập ổn định vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Trước đây, cuộc sống gia đình anh Vừ A Páo, bản Háng Đề Chu, xã Hồ Bốn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, quanh năm chỉ trông chờ vào ít ruộng lúa 1 vụ.

Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Vừ A Páo tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách, từ nguồn vốn này, cộng với số vốn của gia đình, anh đã đầu tư mua trâu, bò và mua thêm đất trồng lúa.

Anh luôn xác định chỉ có áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và phát triển kinh tế là một trong những giải pháp tối ưu nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm tăng năng xuất lao động mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, đến nay, diện tích đất trồng lúa của gia đình sản xuất được 2 vụ lúa, 2 vụ ngô, cho thu hoạch từ 10 đến 15 tấn/năm. Mô hình nuôi gà, nuôi lợn đen bản địa, mỗi năm xuất chuồng từ 6 - 7tạ thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm.

Số liệu thống kế cho thấy, từ năm 2019 đến nay, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn cho 11.368 hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Mù Cang Chải với số tiền 576.882 triệu đồng.

Tổng dự nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại đạt 452.011 triệu đồng/8.803 hộ có dư nợ vay, trong đó, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 94%, các hộ sử dụng vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo.

leftcenterrightdel

Cán bộ ngân hàng thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình phát triển sản xuất, chăn nuôi đối với các đối tượng được thụ hưởng. Ảnh: Hoàng Yên

Ông Bùi Văn Hóa, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải cho biết, những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội huyện, đặc biệt là Phòng Dân tộc huyện tham mưu cho huyện kịp thời triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn để họp, bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng, trình UBND cấp xã phê duyệt làm căn cứ để ngân hàng CSXH giải ngân đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân.

Ông Hóa cho biết thêm, thời gian tới, ngân hàng tổ chức thực hiện có hiệu quả các phiên giao dịch xã hàng tháng theo lịch cố định với phương châm: “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” để phục vụ hộ dân tộc thiểu số nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận kịp thời vốn vay và thực hiện các hoạt động giao dịch tại xã nhằm tiết kiệm thời gian đi lại, tiết giảm chi phí cho người dân và tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng.

Như vậy, có thể nói, nguồn vốn tín dụng này ngày càng khẳng định và phát huy hiệu quả to lớn, các chương trình gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 8% cũng như hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ 19 đã đề ra”.

Bùi Bình - Hoàng Yên