Theo Tổng cục Thống kê, cuộc điều tra có ý nghĩa quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống... Đây cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê Quốc gia và Hệ thống Chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030. Kết quả điều tra sẽ là cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Cuộc điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số-miền núi và 3 địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh).

Cuộc điều tra sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp về nhân khẩu học của dân số, giáo dục, di cư, hôn nhân, sử dụng bảo hiểm y tế, việc làm, lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi, các thông tin về người chết, nhà ở và điều kiện sinh hoạt, đất ở, đất sản xuất, một số loại gia súc chủ yếu, tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các nội dung điều tra đối với UBND xã là về đặc điểm của xã, sử dụng điện, đường, giao thông, trường học và trình độ giáo viên, nhà văn hóa, y tế và vệ sinh môi trường, chợ và cụm/khu công nghiệp, trình độ của cán bộ, công chức cấp xã, tôn giáo, tín ngưỡng, mức độ phủ sóng điện thoại và internet.

Hiện nay, Tổng cục Thống kê thực hiện công tác chuẩn bị bài bản và kịp thời. Đặc biệt, công tác điều tra sẽ được tăng cường ứng dụng công nghệ, thông tin. Tổng cục cũng đã cực xây dựng và hoàn thiện các chương trình phần mềm ứng dụng giúp việc quản lý điều tra, rút ngắn thời gian tổng hợp, rà soát số liệu với độ chính xác cao hơn để có thể công bố kết quả điều tra sớm nhất trong năm 2025.

Tuy nhiên, địa bàn thực hiện chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán nên quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, như tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ dân tộc thiểu số, thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra. Do đó, công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên được các địa phương thực hiện kỹ lưỡng.

Song, kết quả cuộc điều tra sẽ được xử lý kịp thời, đảm bảo độ tin cậy, chính xác. Đây sẽ là là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng và ban hành chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030 nhanh, bền vững và để “không ai bị bỏ lại phía sau”./.

PV