Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta.

Các vùng dân tộc miền núi dù đã khởi sắc, nhưng vẫn còn rất khó khăn 

Mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có bản sắc, văn hóa riêng, song tất cả đều có chung truyền thống yêu nước, đoàn kết, trực tiếp tham gia và góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, giữ vững nền độc lập và chủ quyền của đất nước.

Vượt qua những khó khăn, thử thách, đảng bộ và Nhân dân các dân tộc ở miền núi không ngừng phấn đấu đạt được nhiều tiến bộ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, từng bước phát huy các thế mạnh của mình, tạo ra những vùng chuyên canh lớn, làm ra ngày càng nhiều nông sản, lâm sản xuất khẩu, mở mang công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Ở một số địa phương, bộ mặt nông thôn miền núi có chuyển biến rõ rệt; một số thị trấn, thị xã, điểm công nghiệp lớn đã được hình thành. Nhiều gia đình từ đồng bằng đã định cư trên miền núi, đưa kỹ thuật thâm canh và một số ngành nghề tiểu, thủ công từ miền xuôi lên. Đồng bào miền núi đã từng bước tiếp cận những thành tựu của khoa học, kỹ thuật; một số con em các dân tộc thiểu số đã được đào tạo thành công nhân kỹ thuật, cán bộ khoa học và quản lý.

"Tuy nhiên, những tiến bộ đã đạt được nhìn chung còn nhỏ bé so với khả năng cũng như so với yêu cầu phát triển của bản thân miền núi và của cả nước, trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi còn rất thấp. Kinh tế hàng hóa chậm phát triển, kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên còn chiếm tỷ trọng không nhỏ. Tình trạng du canh, du cư vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản. Đời sống của đại bộ phận dân cư miền núi còn nhiều khó khăn, thậm chí có nơi rất khó khăn. Nghèo đói vẫn còn trên diện rộng, sinh hoạt văn hóa thiếu thốn, tỷ lệ số người mù chữ và thất học còn lớn. Một số bệnh dịch chưa bị đẩy lùi một cách căn bản, có nơi, có lúc còn phát triển, gây tử vong cao. Nhiều tiêu cực xã hội phát sinh. Bọn phản động và các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng địa bàn hiểm trở của miền núi để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng nước ta về mọi mặt. Các tôn giáo đang phát triển một cách không bình thường ở một số nơi", Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 nêu rõ.

leftcenterrightdel

Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: TTM

Theo ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn là nơi tồn tại “năm nhất”: Địa bàn khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.

Tư tưởng của Bác về công tác dân tộc, đoàn kết các dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Bác, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong các bức thư gửi tới đồng bác các dân tộc, Bác luôn khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc:

“… Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc. Tôi tin rằng đồng bào Lao Cai sẽ nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ. Tất cả nhân dân Lao Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo... cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng”, thư gửi đồng bào tỉnh Lào Cai ngày 18/10/1945 của Bác nêu.

Trong thư gửi Đại hội Các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946, Bác viết: “… Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có Nha Dân tộc thiểu số để săn sóc cho tất cả các đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

“Trong mấy năm kháng chiến, đồng bào và bộ đội đã đoàn kết chặt chẽ với nhau, kháng chiến anh dũng, bảo vệ bản mường, đại thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ, giải phóng đất Tây Bắc, góp phần giành lại tự do độc lập của Tổ quốc chúng ta. Từ khi hoà bình lập lại, đồng bào các dân tộc, bộ đội và cán bộ lại càng đoàn kết chặt chẽ, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải thiện đời sống, giữ gìn trật tự an ninh. Đảng và Chính phủ rất vui lòng trước những thành tích đó. Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ khen ngợi tinh thần đoàn kết kháng chiến cũng như tinh thần đoàn kết sản xuất của tất cả đồng bào, bộ đội và cán bộ”, trích phát biểu của Bác tại cuộc mít tinh ở Thuận Châu, Sơn La, ngày 7/5/1959.

leftcenterrightdel

 Trong hệ thống tư tưởng của Bác, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ảnh: TTM

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Bác Hồ thể hiện rõ qua quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, được cụ thể hóa thành những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, đoàn kết quốc tế nhằm phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công, chiến thắng. Rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã được ban hành để từng bước thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi đã đặt ra những yêu cầu và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội miền núi như: Xây dựng cơ cấu kinh tế miền núi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa, liên kết chặt chẽ với các tỉnh đồng bằng, ra sức phát huy thế mạnh của từng vùng; thực hiện tốt chính sách kinh tế nhiều thành phần, điều chỉnh quan hệ sản xuất và đổi mới quản lý, giải phóng triệt để năng lực sản xuất ở miền núi; đổi mới các chính sách kinh tế - xã hội đối với miền núi.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 13/2/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc đã thể hiện các quan điểm cơ bản về công tác dân tộc, từ đó đặt ra những mục tiêu cụ thể, những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách, nhưng giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện.

leftcenterrightdel

 Sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách dân tộc từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vươn lên, vượt qua khó khăn, nghèo đói. Ảnh: TTM

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Kết luận đã chỉ ra những thành tựu đạt được; những mặt còn khuyết điểm, hạn chế, những mục tiêu quan trọng chưa đạt được, nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế đó. Đồng thời, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể Nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng các nội dung: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể Nhân dân, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc.

Ngày 18/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài việc thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội về công tác dân tộc, đề án đặt ra mục tiêu và quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, đồng thời đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và lòng tin của đồng bào với Đảng, với Nhà nước.

Ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội.

leftcenterrightdel

Triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc giúp thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo . Ảnh: TTM

Ngày 30/12/2022, Chương trình Hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1657/QĐ-TTg nhằm cụ thể hóa những quan điểm, nội dung và nhiệm vụ chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ thông qua việc xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, chính sách, dự án cụ thể để đạt được các mục tiêu của Chiến lược Công tác dân tộc.

Song song với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, các chương trình mục tiêu như: Chương trình 143 (Chương trình Xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005); Chương trình 135 (Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn); Chương trình phân bổ đất rừng và trồng rừng; các chính sách về giáo dục, y tế… đã được Chính phủ triển khai với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo.

Có thể nói, cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc đã được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Các chương trình đã đem lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta.

Bài 2: Những thành tựu đạt được qua việc thực hiện các chính sách dân tộc 

Mạnh Đạt