Dự kiến, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ được điều chỉnh tăng đến 15%. Nếu được thông qua và áp dụng, đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử tăng lương và trợ cấp và điều đó có nghĩa, túi tiền của cán bộ, công chức, viên chức… sẽ dày thêm một phần.

Đó là niềm vui rất lớn. Nhưng nỗi lo giá cả hàng hóa sẽ “té nước theo lương” không phải bây giờ mới được nhắc tới, mà thậm chí, là nỗi lo thường trực từ nhiều năm nay.

Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều nhắc đến việc áp lực lạm phát đang gia tăng, mà một trong những lý do là việc lương cơ sở sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7/2024.

Không chỉ lương tăng, mà xu hướng giá cả thị trường gần đây cho thấy, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, sau khi đã được điều chỉnh tăng vào hôm 20/6. Nhiều dự báo cho thấy, trong kỳ điều hành tới, giá xăng dầu có thể sẽ tăng ở mức 400 - 500 đồng/lít, và điều này sẽ tác động tới CPI của cả nước.

Căn cứ vào diễn biến CPI từ đầu năm tới nay, có thể hiểu vì sao, lạm phát luôn là nỗi lo chực chờ. Cụ thể, CPI tháng 5/2024 đã tăng tới 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân 5 tháng tăng 4,03%, cao hơn cận dưới mục tiêu cả năm là 4-4,5% và có xu hướng tăng qua từng tháng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương… Chưa kể, còn do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, mà hiện đang là mùa cao điểm.

Chưa kể, gần đây tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ… Do đó, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu đạt khoảng 4%”.

Theo đó, đã có 3 kịch bản lạm phát được Bộ Tài chính xây dựng và cập nhật. Theo đó, với kịch bản 1, CPI bình quân năm 2024 sẽ tăng khoảng 3,64% so với năm 2023; kịch bản 2, con số là 4,05%; còn kịch bản 3, mức tăng là 4,5%. Nếu diễn biến giá cả thị trường theo kịch bản 2, nền kinh tế đạt được cả mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị và Chính phủ phấn đấu.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% trong năm 2023 lên 3,5% trong năm 2024, chủ yếu do giá cả các mặt hàng được Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế dự kiến sẽ tăng. Sau đó, con số sẽ giảm về mức 3% trong năm 2025-2026 do kỳ vọng về giá cả năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn định. Còn Ngân hàng UOB dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 3,8% trong năm nay.

Rõ ràng, dù áp lực lạm phát là điều đáng quan tâm, song trong bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra. Thêm vào đó, trong bối cảnh Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, lạm phát của Việt Nam sẽ trong tầm kiểm soát, qua đó tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Uyên Uyên