Nguyên nhân của nạn bạo lực gia đình là do sự im lặng

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, đó là việc các thành viên gia đình vận dụng sức mạnh để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trong gia đình.

Trong khi chúng ta đang chung tay xây dựng xã hội văn minh hiện đại, gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thì đâu đó tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau như: Bạo hành thể xác (các hành vi như đá, đấm, tát… tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân); bạo hành tinh thần như chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài… Bạo hành xã hội như việc ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng...

Bên cạnh đó, bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể thấy là dạng bạo lực phổ biến nhất giữa các thành viên trong gia đình.

Theo báo cáo tại hội nghị công bố báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ, chiếm gần 63% phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời.

Hơn nữa, một nửa số phụ nữ bị bạo lực giữ im lặng và hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào.

Nguyên nhân là do sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và văn hóa đổ lỗi là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Hiện nay, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ thấp hơn so với trước và sự thay đổi tích cực này có lẽ đang diễn ra ở nhóm phụ nữ trẻ.

Ngoài bạo lực giữa vợ chồng thì bạo lực giữa cha mẹ và con cái cũng xảy ra khá phổ biến.

Bạo lực gia đình gây ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội

Với tâm lý, truyền thống, thói quen của người Việt, vấn đề bạo lực giữa cha mẹ với con cái được xã hội chấp nhận và khá phổ biến. Rất nhiều ông bố bà mẹ coi việc đánh đập, chửi mắng, chì chiết con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết để chúng nhận ra sai lầm và sửa chữa; hay coi việc mạt sát, trách móc là động lực để con cái phấn đấu.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi những chuẩn mực tiến bộ về quyền con người đã và đang phổ biến trên thế giới thì những tư tưởng, cách làm này cần được sớm loại bỏ.

Bên cạnh đó, bạo lực gia đình giữa các thành viên khác trong gia đình với nhau cũng đã tồn tại từ lâu nhưng chiến tỷ lệ không lớn, vì mức độ phụ thuộc giữa các thành viên này không cao như giữa vợ chồng hay cha mẹ với con.

Nhìn một cách sâu xa, bạo lực gia đình gây ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, làm giảm sự đóng góp của họ, gây thiệt hại đến kinh tế gia đình nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

Vì vậy, phòng, chống bạo lực gia đình cũng là một yêu cầu đặt ra để đảm bảo quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật Việt Nam như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Pháp luật đã quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình để mọi người có thể nhận biết. Đồng thời, Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cũng quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cần phải xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi bạo lực gia đình 

Để phòng ngừa và ứng phó đối với bạo lực gia đình, quan điểm của luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự cho rằng, dưới góc độ cá nhân, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng. Từ đó, các nạn nhân cần mạnh mẽ lên án và tố giác các hành vi bạo lực gia đình, khai báo với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu để được cung cấp các dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý kịp thời nhất.

leftcenterrightdel
 Luật sư Nguyễn Hồng Bách. Ảnh: T.T

Dưới góc độ của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, luật sư Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp Nhân dân về bạo lực gia đình.

“Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội, phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình”, luật sư Hồng Bách nhận định.

Cần thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành. Có giải pháp cụ thể hoá các chỉ tiêu, mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

"Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định của pháp luật", luật sư Hồng Bách nhấn mạnh.

Thanh Thanh