Trẻ em là để yêu thương

Trả lời cho câu hỏi “tại sao trẻ cần yêu thương?”, thạc sỹ Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Bộ môn Khoa học xã hội, Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, trong Luật Trẻ em 2016 quy định về 25 quyền của trẻ trong đó có quyền được chăm sóc để phát triển, quyền được sống chung với cha mẹ, được cha mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.

Trẻ còn nhỏ chưa có khả năng tự chăm sóc và bảo vệ mình nên rất cần sự yêu thương từ cha mẹ và người lớn. Yêu thương là tạo ra môi trường tâm lý an toàn với trẻ. Đứa trẻ chỉ phát triển khi tồn tại trong môi trường an toàn cả về thân thể và tinh thần.

Vậy làm thế nào để thể hiện sự yêu thương với trẻ? Thạc sỹ Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh: Luôn quan tâm, chăm sóc trẻ về dinh dưỡng, sức khoẻ phù hợp, quan tâm nhu cầu của trẻ, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu, mong muốn của trẻ và đặc biệt là đối xử với trẻ bằng lời nói, hành vi phi bạo lực.

leftcenterrightdel
Thạc sỹ Phạm Thị Thanh Mai. Ảnh: T.T

Theo thạc sỹ Phạm Thị Thanh Mai, để trẻ cảm nhận tình yêu thương rất cần quan tâm, chăm sóc và tạo điều kiện từ cha mẹ và người lớn để được sống và lớn lên một cách vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Từ đó, đảm bảo cho trẻ tham gia tích cực, chủ động vào quá trình phát triển, thay vì thụ động chờ sự ban phát từ phía người lớn; đảm bảo mỗi trẻ đều có cơ hội phát triển tối ưu những tiềm năng sẵn có để hình thành những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống; khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc, ý nghĩ và tự tin diễn đạt chúng bằng lời nói; dạy trẻ thoải mái tự tin trước đám đông như trình diễn trên sân khấu, trước các bạn, người lạ… Tôn trọng sự phát triển tự nhiên, đăc điểm tâm lý lứa tuổi và đặc điểm cá nhân.

Chấp nhận trẻ học bằng cách thử - sai. Cho phép trẻ được làm sai trước khi làm đúng và không cần thiết chỉnh sửa quá nhiều.

Cha mẹ tạo môi trường an toàn, bình đẳng, tôn trọng, nhân văn và có giá trị; tạo cho trẻ một môi trường sống không có bạo lực dưới mọi hình thức; thể hiện sự đối xử công bằng, bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái, giữa trẻ em khuyết tật và không khuyết tật, không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì.

Theo thạc sỹ Phạm Thị Thanh Mai phân tích thì tôn trọng trẻ bằng cách chấp nhận trẻ, chấp nhận mọi sự khác biệt của trẻ và đặc biệt đối xử vì lợi ích tốt nhất của trẻ, nâng đỡ tâm hồn trẻ hướng đến các giá trị tích cực: Chân - thiện - mỹ.

Trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ tuyệt đối không xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ; bởi chỉ khi trẻ cảm nhận được coi trọng, ghi nhận và đánh giá cao thì mới mang suy nghĩ tích cực, những hành động đẹp đến cho trẻ.

Yêu thương và đồng hành cùng con ở lứa tuổi vị thành niên

Bàn về vấn đề yêu thương, bảo vệ và giáo dục trẻ vị thành niên, thạc sỹ tâm lý Joey Nghi Hồ, tác giả của Tâm lý vị thành niên Podcast cho rằng, thế giới của các bạn trẻ vị thành niên thế hệ này khá phức tạp. Các bạn được mệnh danh là người bản địa của kỹ thuật số - digital natives, cuộc sống của các bạn gắn liền với công nghệ thông tin có thể mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng tìm ẩn nhiều rủi ro.

Thạc sỹ Joey Nghi Hồ nhận định, một trong những mục tiêu lớn nhất của bậc cha mẹ qua các thế hệ là bảo vệ con từ những mối nguy hiểm của cuộc sống. Tuy xã hội đương đại an toàn hơn khi nói đến những mối nguy hiểm về thể chất, nhưng để bảo vệ con, chúng ta cần hiểu về những mối nguy hiểm tìm ẩn trên không gian mạng.

leftcenterrightdel
 Thạc sỹ tâm lý Joey Nghi Hồ, tác giả của Tâm lý vị thành niên Podcast. Ảnh: T.T

“Tôi không chỉ đang nói đến mối nguy hiểm trực tiếp như tội phạm dễ dàng tiếp cận con trẻ qua mạng, tôi rất mong các bậc cha mẹ chú ý đến mối nguy hiểm đến nhận thức của con về giá trị sống”, thạc sỹ Joey Nghi Hồ nói.

Hơn bao giờ hết sự quan tâm và giáo dục của gia đình rất cần thiết để các con của chúng ta phát triển lành mạnh. Thay vì chỉ chú trọng vào thành tích, chúng ta nên chú trọng vào những giá trị sống như sự tôn trọng, tử tế và đồng cảm với các cá thể khác nhau.

Thạc sỹ tâm lý Joey Nghi Hồ cũng đưa ra lời khuyên: “Hãy trau dồi tư duy phát triển để con luôn học hỏi từ người khác và cải thiện bản thân, là những cá nhân có ích cho xã hội.

Các bố mẹ hãy dành nhiều thời gian tâm sự, tham gia hoạt động ý nghĩa cùng con, truyền tải những giá trị đẹp đẽ của gia đình, thấu hiểu và chấp nhận con. Gia đình nên là chỗ dựa tinh thần cho con luôn cảm thấy an toàn để quay về khi cần sự hỗ trợ.

Hãy yêu thương con vô điều kiện và đồng hành cùng con trong giai đoạn mong manh của lứa tuổi vị thành niên khi các bạn trẻ vẫn đang loay hoay định hình giá trị bản thân, đó là trách nhiệm của chúng ta”.

Đồng hành sâu sát để các con trưởng thành hơn mỗi ngày

Chị Nguyễn Thị Dung ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, tâm sự: "Tôi học được rằng mỗi đứa trẻ sinh ra là một bản thể đặc biệt và duy nhất. Chúng có cá tính và sở thích riêng. Và tôi cũng hiểu rằng thầy cô, cha mẹ giống như là đất. Đất ươm cho muôn hạt nảy mầm, còn muốn trưởng thành các chồi non phải biết tự vươn mình lên tìm ánh sáng. Bởi vậy ngay từ bé gia đình tôi luôn tôn trọng mọi sự khác biệt trong tính cách, sở thích của các con. Nhưng cũng không nuông chiều, chúng tôi uốn nắn, đồng hành sâu sát để các con trưởng thành hơn mỗi ngày".

Chồng chị Dung là anh Bùi Văn Phú cho rằng, có sự khác biệt trong cách yêu thương, cách nuôi dạy con trai và con gái.

"Nhà tôi có một bé trai và một bé gái. Với việc nuôi dạy bé trai, tôi có phần khắt khe hơn nhưng với bé gái tôi thường kiên nhẫn lắng nghe con. Dù đứa trẻ nào cũng cần được lắng nghe và yêu thương, nhưng con trai cần ở môi trường kỷ luật "quân lệnh như sơn" từ bé, trong khi con gái do nền nã hơn nên cần được che chở nhiều hơn một chút. Vợ chồng tôi luôn cố gắng đảm bảo công bằng trong việc nuôi dạy các con và tất nhiên không thể thiếu những hành động ấm áp yêu thương, gắn kết gia đình để các con có một kí ức tuổi thơ thật đẹp".

Thanh Thanh