Từ cuộc thi quan trong này, cả tháng nay, không khí ôn tập của học sinh cho kỳ thi tốt nghiệp trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Dường như một xã hội học tập đang vận hành không ngừng. Nhiều thầy cô, học trò đang ôn tập một cách miệt mài và quyết tâm. Rõ ràng không khí thi cử đang khẩn trưởng hết mức, nên nhiều em đã bày tỏ những nỗi lo lắng cũng như kỳ vọng của mình với kỳ thi. Nhiều sĩ tử học ngày, học đêm, hết sức căng thẳng, lo âu và mệt mỏi. Vì liên quan đến tương lai nghề nghiệp nên áp lực không chỉ có các em mà lên cả thầy cô và cha mẹ.

Bởi vậy mới thấy, một xã hội dù hiện đại hay truyền thống thì nền tảng giáo dục vẫn là một cơ hội vô cùng quan trọng để tăng trưởng và phát triển con người, xã hội. Chẳng phải riêng Việt Nam ta, mà với các nước phát triển hơn ta, các kỳ thi có tính chất quyết định đến tương lai nghề nghiệp của một thế hệ, lớp người như này bao giờ cũng được sự vào cuộc quan tâm của cả xã hội.

Trước tiên sự vào cuộc đó phải kể đầu tiên đến cơ quan chủ quản. Ngành Giáo dục phải nỗ lực để đảm bảo kỳ thi diễn ra một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả. Bởi lẽ sự chênh lệch trong giáo dục giữa các vùng miền, điều kiện hoàn cảnh mỗi nơi không giống nhau. Đối với kỳ thi có tính chất quốc gia thì từ việc ra đề, đánh giá mặt bằng kiến thức học sinh đến việc phân loại thí sinh cần phải tính toán khoa học. Việc tạo ra một môi trường thi cử lành mạnh và thân thiện cũng được các trường quan tâm, giúp học sinh cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi bước vào kỳ thi. Quy chế thi cử phải được thực hiện nghiêm minh, nhằm đảm bảo công bằng tránh những tình trạng tiêu cực đáng tiếc như đã từng xảy ra trước đây.

Người đồng hành tiếp theo chính là phụ huynh học sinh. Họ có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho kỳ thi của con em mình. Sự quan tâm, động viên và hỗ trợ từ gia đình là nguồn động lực lớn giúp học sinh vượt qua áp lực. Cha mẹ cần lắng nghe và thấu hiểu những lo lắng của con, đồng thời giúp con lập kế hoạch học tập hợp lý, duy trì sức khỏe và tinh thần thoải mái.

Ở Việt Nam có một thực tế cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình và đôi khi buộc các em được phụ huynh định hướng phải thi đăng ký vào những trường đại học có mức điểm quá cao đã tạo thêm gánh nặng áp lực cho học sinh. Bởi vậy có trường hợp một em thi mà mang theo cả một gánh nặng của ông bà, cha mẹ, gửi gắm từ nhiều năm trước đó. Không biết các em học cho mình, hay đang làm theo các ước mong của cha mẹ. Đối với một số em trong kỳ thi này, đúng là rất áp lực từ chính bản thân gia đình mình.

Mặt khác với những cuộc thi căng thẳng thế này, các tư vấn tâm lý học đường và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh cần phải tăng cường để hỗ trợ sự cân bằng cho các em. Hiện nay các chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường chưa được chú ý đúng tầm. Chủ yếu là tư vấn tâm lý thi cử chứ không chuyên về những lo lắng, căng thẳng, áp lực, biến đổi nội tâm bên trong mà nhiều học sinh đang đối mặt. Vì khi xã hội càng hiện đại, có nghĩa là áp lực học tập sẽ luôn gia tăng và khiến nhiều em quá ngưỡng chịu đựng. Điều này có thể dẫn đến các hệ quả không mong muốn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn là một cuộc khảo thí đánh giá năng lực để phân loại nhân lực cho xã hội. Không ai muốn bạn bè, người thân của mình bị điểm kém trong cuộc thi ấy. Có nghĩa là họ luôn hi vọng và một số ít quá kỳ vọng. Có điều, trước khi tính tới các kết quả của kỳ thi, cả gia đình và nhà trường trước tiên hãy cố gắng nỗ lực để đồng hành cùng các em. Những lời động viên ân cần, vỗ về khích lệ lúc này đều vô cùng quan trong, bởi các em sẽ cảm thấy không là người bị bỏ lại.

Quốc Đông