Tính đến ngày 27/9, đã có 334 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương. Bão lũ cũng gây tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.

Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp do sạt lở đất.

Nông nghiệp thiệt hại khoảng 285.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 189.982 ha rừng; 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết.

Nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại như đường dây truyền tải, trạm biến áp, cột viễn thông, tuyến cáp quang, trạm BTS bị mất liên lạc; đã xảy ra 796 sự cố đê điều; 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở, 3.517 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thiên tai làm cho tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... giảm trên 0,5%.

Để khắc phục hậu quả sau bão, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định đời sống, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

Chính phủ cũng giao các bộ, ngành, địa phương có cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng để sớm khắc phục các công trình bị hư hại do thiên tai; chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra

Tại Thanh tra Chính phủ, bên cạnh việc phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, mới đây Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy có văn bản nêu rõ, theo kế hoạch thanh tra năm 2024, Thanh tra Chính phủ triển khai 2 cuộc thanh tra tại UBND các tỉnh Cao Bằng và Hà Giang.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6585/VPCP-KTTH ngày 15/9/2024 của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ tạm dừng triển khai 2 cuộc thanh tra trên cho đến khi các tỉnh Cao Bằng và Hà Giang cơ bản khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Đối với công tác kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ban hành Chỉ thị số 1600 về việc điều chỉnh hoạt động kiểm toán nhằm phối hợp khắc phục hậu quả tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Theo đó, để tạo điều kiện cho các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm toán tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 kịp thời nắm bắt tình hình tại các địa phương (đặc biệt là các địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp), nghiên cứu đề xuất điều chỉnh kế hoạch kiểm toán, phương án tổ chức kiểm toán (bao gồm cả các đoàn kiểm toán đang thực hiện và dự kiến sẽ triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm) theo hướng cắt giảm phạm vi kiểm toán, đơn vị được kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán, báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước quyết định.

Tại Bộ Công Thương, Chánh Thanh tra Lê Việt Long cho biết, hiện Tổng Cục Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng thực hiện thanh tra chuyên ngành Công Thương đang tổng hợp đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão, lũ để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm dừng đến khi các địa phương cơ bản khắc phục xong hậu quả cơn bão số 3.

Bên cạnh Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cũng đang rà soát kế hoạch thanh tra năm 2024 và có những quyết định hợp lý nhằm tạo các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3, sớm trở lại với nhịp sống bình thường.

Phương Hiếu