Chiều tối ngày 3/3, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, thứ trưởng 2 bộ (Công thương và Tài chính) đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề giá xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vừa qua mặt hàng này biến động lớn, nhất là khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra.

Về nguồn cung xăng dầu, theo ông Hải, hiện nguồn cung do sản xuất trong nước đáp ứng được 70-75%, thậm chí có thời điểm đáp ứng được 80%; chủ yếu đến từ 2 nhà máy hóa lọc dầu là Dung Quất (chiếm 35% thị phần) và Nghi Sơn (35-40% thị phần).

Song thời gian qua, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khó khăn tài chính và nội tại nên đầu tháng 1 phải giảm công suất xuống 90%, rồi 80% và hiện là 55-60%.

Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%, kế hoạch giao là 680.000m3, thực tế giao khoảng 390.000m3; trong đó xăng giảm 18% và dầu DO giảm 57%.

Ông Hải thông tin, dự kiến tháng 3 cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng, kế hoạch giao 680.000m3 nhưng dự kiến giao hàng là 540.000m3, giảm 20% so với kế hoạch.

Vì vậy, dù Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất lên 105% từ ngày 7/2, nhưng chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt nên một số nơi khan hiếm xăng dầu cục bộ.

“Với lượng xăng dầu nhập khẩu của các đơn vị kinh doanh đầu mối và lượng hàng dự trữ, chúng tôi cam kết trong tháng 3 cơ bản đáp ứng nguồn cung xăng dầu”, ông Hải khẳng định.

Tuy nhiên, đến nay, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chưa có thông báo chính thức về việc cung cấp hàng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong tháng 4 và 5.

Vì thế, bộ đã họp và giao 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhất nhập khẩu thêm nhằm bảo đảm từ quý II có đủ nguồn cung xăng dầu, kể cả khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chưa đáp ứng được sản lượng dầu sản xuất trong nước.

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan, ví dụ giao các doanh nghiệp tăng nhập khẩu thì nguồn vốn nhập khẩu thế nào, xem xét hỗ trợ để thủ tục nhập khẩu nhanh nhất, thuận lợi nhất”, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Liên quan việc có rút ngắn kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nếu giá dầu thế giới biến động mạnh hay không, ông Hải cho hay, theo Nghị định 95 thì mỗi tháng giá xăng dầu được điều chỉnh 3 lần, tức 10 ngày một lần.

Trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng kinh tế xã hội và đời sống người dân, thì sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh.

“Hai ngày một lần, tổ công tác điều hành gồm Bộ Công Thương vàBộ  Tài chính sẽ họp bàn, tính toán và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem có cần thiết điều hành giá xăng dầu sớm hơn quy định hay không”, ông Hải thông tin.

Đề xuất thuế bảo vệ môi trường với xăng giảm 1.000 đồng/lit

 Về việc giảm thuế bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến dự thảo hồ sơ nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn để lấy ý kiến.

Theo đó, xăng được đề xuất mức giảm sâu nhất là 1.000 đồng/lít, dự kiến thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 3.000 đồng/lít, thay cho mức hiện hành là 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có chung đề xuất với mức giảm là 500 đồng/lít, diesel còn 1.500 đồng/lít, dầu hỏa 500 đồng/lít, dầu mazut 1.500 đồng/lít, dầu nhờn 1.500 đồng/lít, mỡ nhờn 1.500 đồng/kg.

Theo ông Chi, khi giảm thuế bảo vệ môi trường xăng thì với sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2022 giả định tương đương năm 2019 thì, số thu thuế bảo vệ môi trường giảm 14.524 tỷ đồng, tác động giảm thu ngân sách nhà nước gồm cả thuế VAT là 15.976 tỷ đồng, thu ngân sách bình quân 1 tháng giảm 1.331 tỷ đồng.

Tính riêng nếu áp dụng chính sách này từ 1/4/2022 thì giảm thu ngân sách khoảng 11.982 tỷ đồng.

Về tác động CPI, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, với giá bán lẻ ổn định như mức hiện tại, thì giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân là 0,6-0,7%. Chính sách này cũng góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.

Trước ý kiến cho rằng mức giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên một lít xăng là thấp, chưa tạo hiệu ứng tích cực trong bối cảnh giá dầu thế giới leo thang, Thứ trưởng Tài chính nói, đây mới là dự thảo đề án đang lấy ý kiến.

“Bộ mong nhận được nhiều đóng góp, ý kiến để báo cáo các cấp nhằm có phương án sửa đổi phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Hương Giang