Ngược dòng thời gian, cùng ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, 70 năm về trước, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ.

Với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, mưu trí, dũng cảm của một dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, “đánh chắc”, “tiến chắc”, đập tan các tuyến phòng thủ ở các hướng, 17h30 ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Cát-xtơ-ri và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng, bị bắt sống.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã nhận định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo cơ sở quyết định việc ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa của một dân tộc Việt Nam anh hùng. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước nồng nàn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu

 Thực tế đã chứng minh chỉ có con đường đoàn kết toàn dân tộc chính là con đường đúng đắn nhất, có hiệu lực mạnh mẽ nhất, phù hợp với quy luật khách quan nhất để phát huy cao nhất sức mạnh của Nhân dân nhằm phát triển đất nước.

Nhận thức đó không phải là mới, điều cần quan tâm là những vấn đề đặt ra từ kinh nghiệm thực tế xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay ở nước ta.

Trong quá trình đổi mới và xây dựng đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì đường lối tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ một cách linh hoạt và sáng tạo, thêm bạn bớt thù, làm cho lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong bối cảnh đất nước hôm nay, hơn lúc nào hết bài học về đoàn kết toàn dân tộc cần phải được phát huy mạnh mẽ; đồng thời luôn cảnh giác với mọi âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc; đấu tranh khắc phục những yếu tố tiêu cực trong xã hội, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự thoái hóa, biến chất, tự diễn biến tự chuyển hóa của một số cán bộ, đảng viên…

Thực tế cho thấy, hiện nay các thế lực thù địch, phản động ngày càng quyết liệt hơn với các âm mưu thâm độc và tinh vi hơn trong phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi chúng nhận thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, muốn phá hoại cách mạng Việt Nam thì phải làm tan rã sức mạnh to lớn đó.

Theo đó, âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ hiện nay của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen thành tựu thực hiện đường lối, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta. Các thế lực thù địch đã “té nước theo mưa”, thổi phồng hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của các cấp chính quyền để gây hoài nghi, phân tán nhân tâm, mất lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng đất nước.

Tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã tổng kết và chỉ rõ: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế toàn xã hội”

Đoàn kết là sức mạnh vô địch trong dựng nước và giữ nước

 Tư tưởng này một lần nữa được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”

Đại đoàn kết dân tộc còn được tỏa sáng bởi sức mạnh của đoàn kết và nhân ái như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong khó khăn, tinh thần yêu nước, kết nối cộng đồng, sự chia sẻ của người Việt càng tỏa sáng, trở thành một trong những giá trị văn hóa nổi bật tạo nên sức mạnh, uy tín Việt Nam trên thế giới”.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh, đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao;” “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”

Đối với dân tộc Việt Nam, đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu và giá trị văn hóa cốt lõi; là sức mạnh vô địch trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng thiên tai, địch họa, định bờ cõi, xưng nền văn hiến, nêu cao độc lập, tự chủ.

Đây là sức mạnh nội sinh có tính chủ đạo xuyên suốt, bền vững của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là chân lý về sức mạnh vô địch của đoàn kết và phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tinh thần đoàn kết cũng được thể hiện rất rõ, cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, quyết tâm cao, các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức do đại dịch Covid-19, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, theo đúng tinh thần "tiền hô hậu ủng," "nhất hô bá ứng," "trên dưới đồng lòng,","dọc ngang thông suốt."

Đại đoàn kết cùng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh

 Càng trong khó khăn, gian khổ, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái càng phải được khơi dậy, phát huy. Thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau,” để ủng hộ giúp đỡ người nghèo vươn lên, trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội.

Đặc biệt, cùng cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đề án Xây dựng 5.000 ngôi nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động đã thần tốc về đích trước 3 tháng so với tiến độ đề ra. Tới hôm nay, 5.000 hộ nghèo ở Điện Biên đã có được ngôi nhà mơ ước để ở.

Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi cả nước hướng về Điện Biên anh hùng.

Trong đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh và đánh giá cao sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào cả nước; biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu vượt khó khăn, tinh thần đoàn kết và ghi nhận những kết quả, thành tựu phát triển của tỉnh Điện Biên trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, phát triển và đổi mới.

Cho rằng Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Với truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, tôi kêu gọi các bộ, ban, ngành; các cấp ủy, chính quyền địa phương; các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng bào cả nước tiếp tục đồng lòng, chung sức quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ bằng những hành động, việc làm cụ thể thiết thực hướng về Điện Biên anh hùng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân ta sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo để xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia có vị thế trên trường quốc tế.

Chúng ta càng tin tưởng hơn, đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước đã chỉ ra cội nguồn sức mạnh của Nhân dân đúc kết thành và làm lên kì tích một Việt Nam hôm nay.

Thanh Thanh