Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong gần 77 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng". Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Ông Nguyễn Xuân Long, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, thời gian qua, các chính sách đối với người có công với cách mạng được Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Bộ LĐTB&XH rất quan tâm và tiếp tục được hoàn thiện.

Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 về “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, ưu đãi người có công với cách mạng là nguyên tắc Hiến định, được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và hiện nay là Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, từ năm 1994 đến năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 văn bản pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 20 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quyết định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Đến nay tại Pháp lệnh số 02/2020; Nghị định số 131/2021, Nghị định số 75/2023, Nghị định số 55/2023, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã ngày càng phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn, đặc biệt đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét, công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023 ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó đã điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi tăng từ 1.624 nghìn đồng lên 2.055 nghìn đồng (tăng 26,54%) và được thực hiện từ ngày 1/7/2023.

Đại diện Cục Người có công cho biết thêm, cùng với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các chính sách ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế… thì ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống người có công với cách mạng.

Sau 10 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã thực hiện việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với 393.707 hộ (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) với kinh phí khoảng 10.654 tỷ đồng.

Tổng kết chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ LĐTB&XH đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, mức hỗ trợ cải tạo, sửa chữa là 30 triệu đồng, mức hỗ trợ xây mới dự kiến là 60 triệu đồng.

Nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng điều dưỡng người có công với cách mạng, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được lập nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần…

Năm 2024, Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đang thực hiện cải cách tiền lương mới. Trong đó, đồng thời với cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, cũng đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh trợ cấp đối với người có công với cách mạng, trợ cấp đối với người nghỉ hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp bảo trợ xã hội.  

Theo đó, trong tiến trình điều chỉnh lần này, người có công với cách mạng cũng đang được xem xét điều chỉnh ở mức cao nhất trong các đối tượng người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, đối tượng bảo trợ xã hội…

“Những chính sách ưu đãi này thiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiệm vụ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Mặc dù vậy, so với những hy sinh, cống hiến cũng chỉ bù đắp phần nào, làm vơi đi một phần những mất mát, hy sinh to lớn của người có công với cách mạng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”, đại diện Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.

Phương Anh