Thế nhưng 8 tháng sau, ngày 24/5/2024, Hà Nội lại tiếp tục câu chuyện cháy nhà chết người tang thương với 14 người chết ở nhà trọ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

Thảm họa lần này vẫn lặp lại "kịch bản" cũ. Vẫn là con hẻm nhỏ sâu hun hút, vẫn là khu nhà trọ đông người chật chội không có lối thoát hiểm, vẫn là các cánh cửa phòng trọ không chịu được lửa, vẫn là những chiếc xe xăng, điện tập trung chen chúc dưới tầng 1 như những "quả bom nổ chậm" chỉ chực chờ phát hỏa bùng lên gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân...

Nhìn vào hạ tầng như vậy ai cũng thấy là khu trọ không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, thế nhưng 17 con người vẫn phải ở tại khu nhà "đặt bom nổ chậm" này.

Còn bao nhiêu nơi ở đăng ký tạm trú, thường trú với điều kiện hạ tầng kiểu này giữa Thủ đô và trên cả nước? Sau bao nhiêu đợt ra quân rầm rộ, thảm họa cháy nhà chết người vẫn không tránh được!

Đây là những nỗi đau không thể kể xiết. Những tiếng kêu cứu, gào thét xé nát tâm can, dằn vặt day dứt những người còn lại.

Rõ ràng, Nhà nước và Nhân dân phải quyết liệt hơn, bước qua cái thời nhận thức "cháy ở đâu chứ chắc chừa nhà mình ra" trong tâm thức của không ít người. Hỏa hoạn chẳng chừa một ai, chẳng chừa một nơi nào. Ở đây, ngoài nguyên nhân khách quan thì chủ yếu là do ý thức chủ quan của con người.

Như vậy, tới đây, nhà nhà phải xem lại hạ tầng phòng chống cháy nổ và thoát hiểm của gia đình mình theo đúng tiêu chuẩn quy định chưa? Các địa phương phải rốt ráo đi từng ngõ, gõ từng nhà kiểm tra cơ sở hạ tầng phòng chống cháy nổ và thoát hiểm, kiên quyết xử lý những nơi ở không có đủ điều kiện phòng chống cháy nổ và thoát hiểm cho con người. Có như vậy, bi kịch dài kỳ "cháy nhà chết người" mới có thể dừng lại.

Phạm Mạnh Hà