Chiều 3/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh cả nước đang trong những ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16.

Tìm cho được các trường hợp lây nhiễm

Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo, các ý kiến, người đứng đầu Chính phủ đánh giá các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc phòng, chống dịch, nhất là đã khoanh tìm, xử lý ổ dịch tại quán bar Buddha và Công ty Trường Sinh.

Hiện nước ta có 237 ca nhiễm Covid -19, nhưng đã có 85 ca bình phục, chưa có ca tử vong. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm.

“Tình nghĩa đồng bào sâu nặng, thủy chung khi đất nước lâm nguy, đại dịch xảy ra”, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh và cho biết, có nhiều tấm gương nhân ái từ Nam chí Bắc thời gian qua mà các cơ quan báo chí đã đăng tải rất ấn tượng.

Trước dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm, tử vong tăng nhanh, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta không cương quyết, không thực hiện nghiêm túc những chủ trương của Đảng, Nhà nước thì vấp phải bệnh chủ quan, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng.

Do đó, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chỉ thị gần đây của Thủ tướng; không làm suy giảm tinh thần các chỉ thị, nhất là Chỉ thị 16 trong tổ chức thực hiện.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; người dân chỉ ra khỏi nhà nếu có việc thực sự cần thiết; luôn đeo khẩu trang, đứng cách nhau tối thiểu 2 mét…

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm”. Bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng mà Chính phủ đề ra.

Có chương trình phát triển máy thở một cách căn cơ

Các cấp, ngành cũng phải quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đối với người nghèo, không để ai bị đói kém; bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân như điện, nước, gạo, thực phẩm, rau, thuốc chữa bệnh….

Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho các tình huống phức tạp; đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất trang thiết bị phòng hộ. Có chương trình phát triển máy thở ở Việt Nam một cách căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước.

Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị có phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam. “Xã hội chậm lại nhưng những người làm công tác phòng, chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành Y tế phải tăng tốc hơn, tiếp tục quyết liệt hơn nữa, khẩn trương hơn nữa”, lãnh đạo Chính phủ nói.

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Y tế cần đẩy nhanh tốc độ tập huấn, chăm sóc, điều trị; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án bệnh viện dã chiến.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phải thay đổi trong tư duy, phương pháp làm việc hơn nữa, cũng như cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa. Quan tâm đến công tác phòng chống dịch tại các nhà dưỡng lão, các trung tâm cai nghiện ma túy, các trại giam trong lực lượng công an, quân đội, đặc biệt trong ngành Y tế.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các địa phương, nhất là các TP lớn phải tiếp tục bảo đảm dự trữ, cung cấp đủ cơ số hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; ngăn chặn đầu cơ nâng giá, bảo đảm an ninh trật tự trong mọi tình huống.

Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực; xử lý nghiêm vi phạm, đầu cơ, hàng giả, kém chất lượng, trong đó có việc xử lý hình sự một số cá nhân cố tình vi phạm để răn đe, giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh.

Hương Giang