Triển khai 351 cuộc thanh, kiểm tra tại 364 tổ chức

Quý I/2024, toàn hệ thống thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng (TTGSNH) đã tích cực triển khai công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra được chú trọng, đảm bảo phù hợp với nội dung định hướng của Thanh tra Chính phủ, thực hiện đúng theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, kết hợp thanh tra việc chấp hành chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng với thanh tra.

Đảm bảo hoạt động thanh tra phải có trọng tâm trọng điểm, đáp ứng được các yêu cầu quản lý Nhà nước về tiền tệ ngân hàng.

Trong quý I/2024,  Cơ quan TTGSNH đã triển khai 8 cuộc thanh tra hành chính (trong đó có 2 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 6 cuộc thanh tra đột xuất), đã ban hành kết luận thanh tra hành chính tại 1 đơn vị.

Số kết luận thanh tra phải thực hiện trong kỳ gồm 7 kết luận thanh tra, hiện 7 kết luận thanh tra không có kiến nghị xử lý về thu hồi ngân sách Nhà nước, xử lý khác về kinh tế, xử lý hành chính và chuyển cơ quan điều tra nhưng tới thời điểm báo cáo 7 kết luận chưa hoàn thành việc thực hiện.

Quý I, đã thực hiện 8 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, trong đó đã ban hành 5 kết luận thanh tra.

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Cơ quan TTGSNH đã triển khai 351 cuộc thanh tra, kiểm tra đồng thời ban hành kết luận, biên bản kiểm tra đối với 192 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Cũng trong quý I/2024 đã có 364 tổ chức được thanh tra, kiểm tra. Những lĩnh vực nội dung thanh tra chủ yếu gồm: Thanh tra hoạt động cấp tín dụng, thanh tra việc phân loại nợ, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro, thanh tra về hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp với khách hàng, thanh tra phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, thanh tra về sở hữu cổ phần, mua bán, chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của cổ đông tại TCTD…

Qua thanh, kiểm tra chuyên ngành cho thấy các vi phạm, tồn tại chủ yếu liên quan đến yếu tố chuyên môn, nghiệp vụ như: vi phạm về thẩm định và xét duyệt cho vay, hồ sơ vay, kiểm tra, giám sát sau cho vay, về tài sản đảm bảo, vi phạm về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, vi phạm về tỉ lệ đảm bảo an toàn…

Vẫn còn một số cá nhân, bộ phận chưa tuân thủ đầy đủ quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Có 152 tổ chức và 4 cá nhân vi phạm quy định pháp luật, quy định của ngành, quy định nội bộ... trong quá trình hoạt động kinh doanh và hoạt động tác nghiệp.

Tổng số tiền vi phạm được Cơ quan TTGSNH phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra là 68,7 tỷ đồng; không phát sinh số tiền kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước, số tiền kiến nghị thu hồi về tổ chức, đơn vị là hơn 11 tỷ đồng và số tiền kiến nghị khác là 57,5 tỷ đồng.

Về xử lý vi phạm, Cơ quan TTGSNH đã ban hành 70 quyết đinh xử phạt hành chính, với số tiền xử phạt hành chính là gần 19 triệu đồng.

Quý I/2024, kết quả thực hiện xử lý vi phạm về kinh tế là 4,4 tỷ đồng; số tiền vi phạm đã xử lý khác là hơn 4,3 tỷ đồng.

Số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu là gần 18 triệu đồng từ các tổ chức vi phạm. 28 tổ chức đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, tiêu cực và sai phạm

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, toàn hệ thống TTGSNH bám sát định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng và định hướng thanh tra của Thanh tra Chính phủ tập trung chỉ đạo và triển khai hiệu quả kế hoạch thanh tra năm 2024 để bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của NHNN; bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD; hỗ trợ quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu.

Tập trung thanh, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, tiêu cực và sai phạm. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan TTGSNH và thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra, đặc biệt là thanh tra pháp nhân.

Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; giám sát, cảnh báo sớm rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tập trung giám sát các TCTD có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống. Chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo và quyết định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan thanh tra, kiểm toán và cơ quan chức năng có thẩm quyền. Triển khai hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động, nghiệp vụ TTGSNH trong toàn hệ thống TTGSNH.

Tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù họp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ốn định, an toàn hệ thống các TCTD.

Chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu.

Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng và tội phạm; phòng, chống rửa tiền để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật.

Nguyễn Điểm