Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, năm 2024, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thực hiện thanh tra chuyên đề đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm và kiểm tra đối với 14 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

“Đến hết tháng 9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm mới hoàn thành việc kiểm tra đối với 14 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2024 và triển khai thanh tra tại 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam), đã kết thúc thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp ngày 20/9 và đang trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra theo quy định”, ông Trung cho biết.

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm vẫn chưa thể triển khai thanh tra tại 5 doanh nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Cũng theo ông Trung, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã ban hành 5 kết luận thanh tra (chuyển tiếp từ kế hoạch năm 2023 sang) đối với các doanh nhiệp bảo hiểm: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi); Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam); Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC); Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam, Bảo hiểm VietinBank (VBI) và thực hiện công khai kết luận thanh tra đối với 5 doanh nghiệp nêu trên theo đúng quy định tại Điều 79 Luật Thanh tra năm 2022 và Điều 48, Điều 49 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP. Theo đó:

Đăng tải toàn văn nội dung kết luận thanh tra trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong thời gian và hạn quy định.

Tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra với sự tham gia của lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đoàn thanh tra, tổ giám sát và đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm là đối tượng thanh tra theo quy định pháp luật.

leftcenterrightdel
 Qua thanh tra tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam đã phát hiện nhiều vi phạm. Ảnh: QT

Về kết quả thực hiện kết luận thanh tra của các doanh nghiệp bảo hiểm được thanh tra trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, ông Trung cho biết, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 đã gửi văn bản báo cáo việc thực hiện kiến nghị tại kết luận thanh tra. Theo đó, các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 317,7 tỷ đồng.

“Căn cứ kết luận thanh tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phát hiện qua công tác thanh tra đối với 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được thanh tra trong năm 2023 là Dai-ichi, AIA, Generali về các hành vi: Triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư không theo quy định của pháp luật; sử dụng tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động đại lý không đảm bảo điều kiện và nguyên tắc hoạt động đại lý theo quy định; thực hiện tư vấn không đảm bảo chất lượng. Tổng số tiền các doanh nghiệp đã nộp phạt là 460 triệu đồng”, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.

Trả lời câu hỏi của PV, trong trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm được thanh tra và các đơn vị liên quan chậm thực hiện các kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra thì tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý kịp thời vấn đề phát sinh (khoản 1 Điều 105 Luật Thanh tra 2022).

Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật (khoản 2 Điều 106 Luật Thanh tra 2022).

Bên cạnh những nội dung trao đổi với PV, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung, đã “từ chối” trả lời một số nội dung mà PV đưa ra như: Với tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra như hiện nay liệu Cục Quản lý, giám sát bảo hiển có hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt?

Kết quả thực hiện kết luận thanh tra của 5 doanh nghiệp bảo hiểm được thanh tra từ đầu năm đến nay; thời gian công bố kết luận thanh tra đối với 5 doanh nghiệp được thanh tra trong 9 tháng đầu năm 2024; không cung cấp báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra của các doanh nghiệp được thanh tra…

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2024 được Bộ Tài chính tổ chức ngày 27/9/2024, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thanh tra, cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính công bố công khai kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 79 Luật Thanh tra năm 2022 và Điều 48, Điều 49 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

Liệu các cơ quan thanh tra, các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính nói chung và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nói riêng có nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi?

Đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính cho kiểm tra việc thực hiện công bố công khai kết luận thanh tra theo Điều 79 Luật Thanh tra năm 2022 và Điều 48, Điều 49 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP đối với các cơ quan thanh tra và các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ. Trong trường hợp các cơ quan thanh tra, các cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ không thực hiện theo Điều 79 Luật Thanh tra năm 2022 và Điều 48, Điều 49 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP thì cần có các hình thức xử lý trách nhiệm đúng quy định pháp luật.

Trần Quý