Theo Hãng tin Reuters, sự việc liên quan 2 bộ trưởng đã thu hút nhiều sự quan tâm ở Singapore, nơi từ lâu đã tự hào về một chính phủ sạch bóng tham nhũng.

Tại đảo quốc sư tử, mức lương hàng năm của nhiều bộ trưởng vượt trên 1 triệu đô la Singapore (755.000 USD) nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Thủ tướng Singapore cho biết, vụ việc sẽ được đánh giá bởi một quan chức cấp cao. Kết quả sẽ được công bố trước khi các nhà lập pháp đưa vấn đề ra xem xét vào tháng 7. Qua đó, sẽ xác định liệu việc cho thuê các ngôi nhà có tuân thủ "quy trình phù hợp" hay không và liệu có tồn tại hành vi sai trái không.

"Đây là việc cần phải được thực hiện để đảm bảo Chính phủ duy trì các tiêu chuẩn liêm chính cao nhất", ông Lý Hiển Long nói trong một tuyên bố.

Trong tháng này, chính trị gia đối lập Kenneth Jeyaretnam đã đặt câu hỏi làm thế nào mà Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp K Shanmugam và Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan có thể chi trả theo mức giá thị trường cho những bất động sản "đắt đỏ" như vậy.

Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp Shanmugam cho biết, những lời buộc tội không đúng mực, "thái quá" và ông không có gì phải che giấu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Balakrishnan cho biết, "rất vui mừng" khi một cuộc đánh giá được triển khai.

leftcenterrightdel
Singapore trong nhiều năm thuộc nhóm quốc gia “trong sạch” nhất thế giới theo đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Trong ảnh: Điểm số CPI của Singapore năm 2022. Nguồn: TI 

Các bài viết đăng trên mạng xã hội ở Singapore những ngày qua bàn tán xôn xao về các bộ trưởng, bày tỏ sự giận dữ trước quy mô của các bất động sản, trong khi những người khác đặt câu hỏi tại sao Chính phủ cần thời gian cho đến tháng 7 để xem xét vấn đề.

Nhiều người ở Singapore bày tỏ sự phản đối khi chi phí sinh hoạt tăng cao, trong bối cảnh lạm phát cao và giá nhà, giá xe hơi tăng cao.

Tại Singapore, trong số 3,6 triệu công dân, cứ 10 người thì có 8 người sống tại các khu nhà công cộng và chỉ 1/3 số hộ gia đình sở hữu ô tô.

Các nhà lập pháp, bao gồm 3 thành viên của đảng cầm quyền và lãnh đạo phe đối lập, đã đệ trình câu hỏi lên Quốc hội về việc liệu các bộ trưởng có hành động dựa trên thông tin đặc quyền để có được hợp đồng thuê hay không.

Cơ quan quản lý đất đai Singapore cho biết các bộ trưởng đã thuê những ngôi nhà bị bỏ trống trong nhiều năm và đã đưa ra giá cao hơn giá thuê đề xuất, một mức giá không được tiết lộ.

Các vụ bê bối tham nhũng trong Chính phủ rất hiếm xảy ra ở Singapore.

Trước đó, một bộ trưởng bị điều tra vào năm 1987 nhưng đã chết trước khi cuộc điều tra kết thúc.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến dự Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức tại Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, ngày 10/5/2023. Ảnh: REUTERS/Willy Kurniawan 

Thủ tướng Lý Hiển Long và cha của ông - Thủ tướng lập quốc Lý Quang Diệu - đều đã phát biểu trước Quốc hội vào năm 1996 để trả lời các cáo buộc điều tra về việc gia đình đã mua bất động sản cao cấp với giá chiết khấu.

Cuộc điều tra kết luận rằng không có gì sai trái trong việc mua tài sản của gia đình Thủ tướng.

Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả. Nhiều năm qua, Singapore luôn nằm trong nhóm các quốc gia “trong sạch” nhất theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Theo Cục điều tra tham nhũng của Chính phủ Singapore - cơ quan hoạt động độc lập, có quyền điều tra bất kỳ ai, đồng thời có nhiệm vụ giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức, xây dựng các chuẩn mực xã hội - sự trong sạch của Singapore là nhờ vào ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo nước này trước cuộc chiến chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Singapore tăng cường hệ thống luật pháp và chú trọng tăng mức độ hình phạt đối với hành vi tham nhũng.

Đáng chú ý, các biện pháp hành chính phòng ngừa tham nhũng đi đôi với giáo dục. Nhờ vậy, tham nhũng ở Singapore đã nằm trong vòng kiểm soát của khu vực nhà nước và tư nhân.

Hoài Phương