Động thái này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban tái đắc cử với số phiếu áp đảo.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EC "sẽ gửi thư thông báo chính thức về việc bắt đầu một cơ chế có điều kiện".

Cơ chế này được xây dựng vào năm 2020, sau một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trong bối cảnh đỉnh dịch COVID-19, tại đó đã đồng ý khoản tài trợ và cho vay trị giá 800 tỷ euro (900 tỷ USD) để các nước EU phục hồi.

Các quốc gia bao gồm Hà Lan và các nước Bắc Âu đã yêu cầu một cơ chế có điều kiện để tạo ra các hàng rào bảo vệ xung quanh việc tiêu tiền của người nộp thuế.

Quan hệ giữa Chính phủ Hungary và EU tồn tại rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng Viktor Orban đã nhiều lần xung đột với các thể chế của EU.

Hungary trong nhiều năm đã bị EU điều tra chính thức vì phá hoại tính độc lập của tòa án, các tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông.

EU lo ngại về tính độc lập của các thẩm phán, chủ yếu tập trung vào những bất thường trong việc chi tiêu tiền của EU thông qua mua sắm công. Những lo ngại theo báo cáo từ Văn phòng Chống gian lận của EU (OLAF) cho thấy, gần một nửa số đấu thầu công khai ở Hungary chỉ dẫn đến một thủ tục đấu thầu duy nhất.

Trong một báo cáo về nhà nước pháp quyền ở Hungary vào tháng 7/2021, EC đã trích dẫn những thiếu sót dai dẳng trong tài trợ của các đảng chính trị Hungary và rủi ro của chủ nghĩa thân hữu, chuyên quyền trong cơ quan hành chính cấp cao của quốc gia này.

Hồi cuối năm ngoái, EC cũng đã gửi thư tới lãnh đạo Hungary yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến mua sắm công, xung đột lợi ích và tham nhũng trong chi tiêu liên quan tới quỹ của EU.

Và hiện nay, EU đang đưa ra một cơ chế nhằm đóng băng các nguồn tài trợ quan trọng khi Hungary vi phạm thể chế chung và tham nhũng, làm suy yếu lợi ích tài chính của khối. Nếu được đa số trong 27 quốc gia thành viên tán thành, Budapest có thể sẽ mất khoản tài trợ của EU trị giá 7,2 tỷ euro để phục hồi đất nước sau đại dịch.

Trước nguy cơ hiện hữu này, ông Gergely Gulyas, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi EC "không trừng phạt các cử tri Hungary".

Gulyas kêu gọi EU "quay trở lại phương hướng chung và đối thoại".

Theo kết quả thông báo ngày 5/4, với 98,96% số phiếu được kiểm, liên minh cầm quyền Fidesz - Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP) do Thủ tướng Hungary Viktor Orban được 53,59% số phiếu ủng hộ.

Không chỉ phải giải quyết nhiều vấn đề trong quan hệ với EU, Thủ tướng Viktor Orban còn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế trong nhiệm kỳ 5 năm của mình.

Ngân hàng Quốc gia Hungary dự báo, lạm phát tại nước này trong giai đoạn 2022 - 2023 có thể lên tới 7,5 - 9,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đứng trước nguy cơ thấp hơn so với dự kiến, ước tính chỉ khoảng 2,5 - 4,5%, do nhiều kênh thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ngọc Anh