Theo Hãng thông tấn Yonhap, trong bối cảnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị tê liệt, khủng hoảng y tế được cảnh báo ở mức cao nhất, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, bắt đầu từ tháng 3, việc đình chỉ giấy phép hành nghề trong tối thiểu 3 tháng sẽ là không thể tránh khỏi đối với những người không quay lại theo quy định. Ngoài ra, các biện pháp tư pháp như điều tra và truy tố cũng sẽ được áp dụng.

Bộ cũng nhấn mạnh về những hậu quả là không khoan nhượng đối với những người không tuân thủ.

Theo Luật Y tế Hàn Quốc, Chính phủ có thể ban hành lệnh quay lại làm việc cho các bác sĩ và nhân viên y tế khi nhận thấy rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Việc từ chối tuân theo mệnh lệnh có thể bị đình chỉ giấy phép hành nghề, phạt tiền 30 triệu won (khoảng 555 triệu đồng), thậm chí là bị phạt 3 năm tù.

Khoảng 9.000 bác sĩ thực tập đã nghỉ làm ngày thứ 9 liên tiếp vào 28/2. Tâm điểm của cuộc tranh cãi là kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y thêm 2.000 vào năm tới, từ mức 3.058 hiện tại.

Trước đó, ngày 27/2, Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định, kế hoạch là “biện pháp cần thiết tối thiểu” để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ và nhấn mạnh “điều này không thể và không nên là chủ đề để đàm phán hoặc thỏa hiệp”.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy lập trường cứng rắn của Chính phủ đối với cuộc đình công, Bộ Y tế Hàn Quốc ngày 27/2 đã đệ đơn kiện 5 bác sỹ thuộc Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), tổ chức nghề nghiệp lớn nhất của các bác sỹ. Nhóm các bác sỹ trên bị cáo buộc vi phạm luật y tế và cản trở hoạt động nghiệp vụ.

leftcenterrightdel
 Một bác sĩ bước đi trong hành lang của bệnh viện ở Seoul vào ngày 27/2/2024. Ảnh: Yonhap

Các quan chức cho biết 8.939 bác sĩ thực tập (tương đương 72,7%), đã nghỉ làm tính đến tối 26/2. Số bác sĩ thực tập nộp đơn xin thôi việc lên tới 9.909.

Khi cuộc đình công hàng loạt tiếp tục, số ca phẫu thuật được thực hiện tại các bệnh viện lớn được cho là đã giảm một nửa.

Để đối phó với tình trạng thiếu nhân viên y tế, Chính phủ đã cho phép các y tá đảm nhận một số vai trò bác sĩ nhất định.

Yonhap dẫn lời một quan chức của Liên đoàn Lao động tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul cho rằng: “Các bệnh viện đang buộc nhân viên khác, bao gồm cả y tá, thực hiện nhiệm vụ của bác sĩ, gây ra nguy cơ tai nạn tiềm ẩn”.

Ngọc Anh