Ông Tareck El Aissami - Bộ trưởng Dầu mỏ quyền lực một thời của Venezuela đã bất ngờ từ chức vào tháng 3 năm ngoái để hỗ trợ đầy đủ cho các cuộc điều tra tham nhũng đặc biệt liên quan đến Công ty Dầu mỏ nhà nước PDVSA, do Bộ Dầu mỏ quản lý; đồng thời, bày tỏ sự ủng hộ của cá nhân với "cuộc thập tự chinh" chống tham nhũng của Chính phủ.

Ngày 9/4, các nhà chức trách cho biết, cựu Bộ trưởng này đã bị bắt giữ. Bản thân ông đang bị điều tra về một kế hoạch tham nhũng, tại đó hàng trăm triệu đô la tiền thu được từ dầu mỏ dường như đã biến mất.

Bộ Truyền thông Venezuela đã công bố hình ảnh ông Tareck El Aissami bị còng tay và đi dọc hành lang, xung quanh là các sĩ quan cảnh sát áp giải.

Bộ trưởng Tư pháp Tarek William Saab nói với các phóng viên rằng, ông El Aissami sẽ hầu tòa với các cáo buộc bao gồm phản quốc, rửa tiền và cấu kết tội phạm.

Không thông tin chi tiết ông El Aissami bị bắt khi nào. Bộ trưởng Tư pháp cho biết, việc bắt giữ mất nhiều thời gian do cuộc điều tra có nhiều thủ tục khác nhau.

Cơ quan công tố đã cáo buộc cựu Bộ trưởng liên quan đến việc bán dầu của Venezuela thông qua cơ quan giám sát tiền điện tử của đất nước song song với PDVSA.

Hồi năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Tarek William Saab cho biết, cơ quan giám sát tiền điện tử bị cáo buộc đã ký hợp đồng vận chuyển dầu thô lên tàu “mà không có bất kỳ hình thức kiểm soát hoặc bảo đảm hành chính nào”, vi phạm các quy định pháp luật. Ông nói rằng khi dầu được bán ra thị trường, “các khoản thanh toán tương ứng không được thực hiện” cho công ty dầu mỏ nhà nước.

leftcenterrightdel
Một bức ảnh do chính quyền Venezuela công bố cho thấy vụ bắt giữ cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Tareck El Aissami. Ảnh: Văn phòng Công tố Venezuela/AFP 

Ngày 9/4, ông Saab đã gọi El Aissami là “bậc thầy” tham nhũng, người “nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ bị bắt”.

Bộ trưởng Tư pháp nói thêm, 5 người trước đây bị bắt trong cuộc điều tra đã nhận được những lời đe dọa sát hại khi ở trong tù, sau khi họ đồng ý hợp tác với các công tố viên.

Ông Saab cáo buộc, những người liên quan đến đường dây tội phạm “đã nhận được cổ tức từ việc bán dầu thô và giao dịch số tiền này bằng các loại ngoại tệ khác nhau mà họ chuyển đổi thành tài sản tiền điện tử để huy động số tiền kỹ thuật số này”, đồng thời khiến các cơ quan quản lý không thể theo dõi được.

Ông El Aissami là một chính trị gia người Venezuela từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong 2 thập kỷ qua.

Ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tư pháp từ năm 2008 - 2012, Thống đốc bang Aragua từ năm 2012 - 2017 và Phó Tổng thống Venezuela từ năm 2017 - 2018.

Ông cũng được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Sản xuất Quốc gia kể từ tháng 6/2018 và là Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ kể từ tháng 4/2020.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tareck El Aissami trong cuộc họp 2 nước Venezuela - Thổ Nhĩ Kỳ tại Cung điện Miraflores, ở Caracas, Venezuela ngày 24/1/2023. Ảnh: REUTERS/Leonardo Fernandez Viloria 

El Aissami nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì bị cáo buộc có liên quan đến buôn bán ma túy - điều mà ông phủ nhận.

Tham nhũng từ lâu đã lan tràn ở Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nhưng việc quan chức phải chịu trách nhiệm vẫn còn là điều... hiếm thấy, Hãng tin AP bình luận.

Trong vụ việc liên quan tới PDVSA, hơn 50 người đã bị bắt vì bị cáo buộc đóng vai trò trong kế hoạch tham nhũng này, bao gồm Joselit Ramirez, cộng sự thân cận của El Aissami, từng là lãnh đạo cơ quan giám sát tài sản tiền điện tử của Venezuela cho đến khi bị giam giữ vào tháng 3/2023.

Hàng chục nhà môi giới đang là trung tâm của cuộc điều tra tham nhũng.

leftcenterrightdel
Một lá cờ Venezuela bên cạnh cờ của Công ty Dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA được chụp gần trụ sở chính của công ty, ở Caracas, Venezuela ngày 20/3/2023. Ảnh: REUTERS/Leonardo Fernandez Viloria 

Chính phủ Venezuela chưa thông tin chính xác nhà nước đã mất bao nhiêu tiền do các giao dịch mờ ám. Nhưng các tài liệu nội bộ của PDVSA mà Hãng tin AP có được vào năm ngoái cho thấy, công ty dầu mỏ nhà nước này đã bị nợ 10,1 tỷ USD tính đến tháng 8/2022 từ 90 công ty thương mại hầu hết vô danh nhưng đã trở thành những khách hàng lớn mua dầu thô của Venezuela...

Mỹ lần đầu tiên áp đặt các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Venezuela vào năm 2019. Kể từ đó, PDVSA buộc phải thực hiện hầu hết các giao dịch dầu mỏ của mình theo hình thức hoán đổi và chuyển giao doanh số bán qua trung gian vì khách hàng không muốn bị trừng phạt.
Hoài Phương