Với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội Tài chính EU dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), UNDP Uzbekistan và Cơ quan Chống tham nhũng của Cộng hòa Uzbekistan ngày 19/4 ra thông báo khởi động chính thức Chương trình hành động "Cải thiện quản trị ở Uzbekistan".

Sự kiện được tổ chức tại trụ sở Cơ quan Chống tham nhũng của Cộng hòa Uzbekistan đóng vai trò là nền tảng để trình bày, thảo luận và chứng thực sáng kiến có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia này.

Được tài trợ bởi EU, Chương trình hành động sẽ được thực hiện bởi 2 dự án với sự hợp tác chặt chẽ, bao gồm dự án “Phòng chống tham nhũng toàn diện” với kinh phí 4.550.000 Euro, do chính phủ Đức đồng tài trợ.

Dự án thứ hai: “Tăng cường hệ sinh thái chống tham nhũng quốc gia ở Uzbekistan” sẽ được UNDP thực hiện với kinh phí 2.500.000 Euro. Thời gian thực hiện kéo dài từ năm 2024 đến năm 2026. Các dự án nhắm đến tất cả 14 khu vực của Uzbekistan.

Bằng cách hợp tác với Cơ quan Chống tham nhũng của Cộng hòa Uzbekistan, các cơ quan Chính phủ quan trọng khác có nhiệm vụ ngăn ngừa và chống tham nhũng, cũng như tổ chức xã hội dân sự và giới truyền thông, các dự án nhằm giải quyết những thách thức quan trọng như thể chế hóa yếu kém các nỗ lực chống tham nhũng và khoảng cách giữa cấp độ thực hiện ở cấp quốc gia và cấp khu vực.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự sự kiện trình bày, thảo luận và chứng thực sáng kiến có ý nghĩa quan trọng đối với Uzbekistan. Ảnh: EU IN UZBEKISTAN 

Tại sự kiện khởi động Chương trình hành động, bà Charlotte Adriaen, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Cộng hòa Uzbekistan, bày tỏ sự lạc quan về dự án. Bà cho rằng, “sáng kiến thể hiện sự hỗ trợ liên tục của EU đối với chương trình cải cách đầy tham vọng ở Uzbekistan. Hỗ trợ các nỗ lực chống tham nhũng sẽ là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng”.

Ông Anas Qarman, Đại diện thường trú của UNDP Uzbekistan và ông Joachim Fritz, Giám đốc Quốc gia GIZ khẳng định, UNDP và GIZ sẵn sàng hỗ trợ hơn nữa Chính phủ Uzbekistan trong hành trình quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi quản trị toàn diện và lấy người dân làm trung tâm.

Giám đốc Cơ quan Chống tham nhũng của Cộng hòa Uzbekistan, ông Burkhanov lưu ý, cơ quan này đang có kế hoạch thực hiện công việc trên quy mô lớn, bao gồm việc đưa ra Sáng kiến Đánh giá Liêm chính, đảm bảo cải cách tham nhũng sẽ tiếp cận tất cả khu vực cũng như đưa công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và nâng cao năng lực của các tổ chức này, áp dụng hệ thống phối hợp để hợp tác với các nhà tài trợ trong lĩnh vực chống tham nhũng.

Những hoạt động chính của các dự án được thực hiện trong Chương trình hành động nhằm cải cách pháp lý và thể chế, tăng cường phản ứng thực thi pháp luật đối với tham nhũng và thúc đẩy trách nhiệm xã hội thông qua sự tham gia của người dân.

Những nỗ lực dự kiến sẽ mang lại kết quả rõ ràng, bao gồm củng cố các khuôn khổ chống tham nhũng quốc gia, nâng cao tính liêm chính bao gồm cả cấp khu vực và địa phương, đồng thời tăng cường sự tham gia và nhận thức của người dân.

leftcenterrightdel
Số liệu cho thấy Uzbekistan tăng điểm CPI theo xu hướng liên tục trong suốt 12 năm kể từ năm 2012. Ảnh: Đức Anh
Uzbekistan được đánh giá là quốc gia có nhiều cải thiện trong cuộc chiến chống tham nhũng. Theo xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Uzbekistan đã tăng điểm CPI theo xu hướng liên tục trong suốt 12 năm kể từ năm 2012 (17 điểm, xếp thứ 170/176) đến năm 2023 (33 điểm, xếp thứ 121/180), ra khỏi danh sách 10 nước tham nhũng khu vực công cao nhất thế giới.
Đức Anh