Báo cáo thường niên của Tổng Kiểm toán và tiết lộ từ các cuộc điều tra đã cho thấy tình trạng tham nhũng đang tràn lan trên toàn xã hội Ghana. Số liệu khảo sát phong vũ biểu tham nhũng khu vực châu Phi của Tổ chức Minh bạch Quốc tế mới đây cũng đã chỉ ra rằng, 33% người dân Ghana cho biết đã đưa hối lộ cho các quan chức nhà nước; thấp hơn so với tỷ lệ của Nigeria (44%), Liberia (53%), nhưng cao hơn Senegal (15%).
 
Còn theo Ủy ban Nhân quyền và Tư pháp hành chính Ghana, quốc gia này mất 3 tỷ USD mỗi năm vì tham nhũng. Ngoài những tổn thất về kinh tế, tham nhũng làm xói mòn niềm tin vào các thể chế dân chủ, làm suy yếu luật pháp và vi phạm nhân quyền.
 
Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu của Tiến sỹ Tư pháp Tankebe, giảng viên Khoa Tội phạm học, Đại học Cambridge đã tìm hiểu về phản ứng của những trí thức trẻ Ghana trước tham nhũng.
 
Cái gì cấu thành tham nhũng?
 
Theo Tiến sỹ Tankebe, tham nhũng là một vấn đề xã hội phức tạp. Nó có các hình thức khác nhau trong các xã hội khác nhau, và nó thay đổi theo thời gian.
 
Một định nghĩa được trích dẫn rộng rãi xuất phát từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế, đó là: Tham nhũng là việc lạm dụng quyền lực được ủy thác để tư lợi cá nhân. Định nghĩa này rất có ý nghĩa, nhưng nhóm nghiên cứu thích định nghĩa của nhà nghiên cứu tội phạm học John Kleinig, người đã viết rằng, các quan chức: có hành vi tham nhũng khi đang thực hiện hoặc không thực hiện theo thẩm quyền của mình, họ hành động với mục đích chính là thúc đẩy lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của phòng, ban, bộ phận mình.
 
Định nghĩa này đưa ra quan điểm rằng, tham nhũng bao gồm cả những gì người ta làm và những gì họ không làm. Vấn đề quan trọng nằm ở động cơ của họ. Định nghĩa cũng làm rõ rằng, các quan chức tham nhũng không cần thiết phải hưởng lợi ích từ các giao dịch. Đôi khi, họ lạm dụng thẩm quyền của mình vì lợi ích của các nhóm mà họ thuộc về, ví dụ như nhóm tôn giáo, nhóm dân tộc hoặc một đảng phái chính trị.
 
Định nghĩa cũng đưa chúng ta vượt ra ngoài lợi ích tiền tệ, bao gồm các lợi ích khác như sự yêu mến, đặc biệt là trong các trường hợp gia đình trị và chủ nghĩa thân hữu…
 
Lý do của tham nhũng
 
Trước tiên, nhóm nghiên cứu xác định dạng thức tham nhũng mà các trí thức trẻ có khả năng tham gia. “Chúng tôi đã đưa ra 530 kịch bản mô tả các hình thức cơ hội tham nhũng khác nhau và hỏi họ sẽ làm gì trong những trường hợp như vậy”, ông Tankebe nói.
 
Để lý giải vì sao người ta tham nhũng, nhóm đã xem xét hối lộ và gia đình trị trong 3 tình huống: Chính sách; mua sắm công; và lạm dụng quyền lực. Một số điểm quan trọng đã được phát hiện qua khảo sát. Đó là:
 
Thứ nhất, mọi người có xu hướng tham gia vào việc sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ cho bạn bè, người thân, thay vì trực tiếp nhận hối lộ. Đơn cử, có gần 50% số người được hỏi cho biết, họ sẽ đề nghị bạn bè sử dụng vị trí của mình để từ đó trao cho họ những hợp đồng của Chính phủ; trong khi chỉ 1/3 nói rằng, họ sẽ đưa tiền hối lộ để nhận được một hợp đồng tương tự.
 
Điều này cho thấy, các mạng lưới quen biết, thân tộc, thay vì trao đổi tiền tệ trực tiếp, là kênh quan trọng để thông qua đó hành vi tham nhũng diễn ra.
 
Thứ 2, nghiên cứu cũng cho thấy, nhận thức về việc bị phát hiện - nói cách khác, là nhận thức về các yếu tố rủi ro trong thực hiện hành vi tham nhũng - có vai trò rất lớn. Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu khác về việc, tham nhũng có nhiều khả năng xảy ra trong môi trường có sự giám sát yếu và nguy cơ bị phát hiện thấp.
 
Thứ 3, các trí thức trẻ có mục tiêu là cuộc sống thành công về sở hữu vật chất luôn có xu hướng tham gia vào hối lộ và gia đình trị. Họ sẵn sàng trả tiền hối lộ hoặc sử dụng mạng lưới tình bạn để bảo đảm các hợp đồng công, tạo ảnh hưởng tới các nhân viên cảnh sát và đưa ra các quyết định có lợi cho người khác.
 
Cuối cùng, nghiên cứu thấy rằng, việc một người gắn bó với khu vực Nhà nước hay các nhóm thân tộc quyết định đến việc họ có sử dụng đến tham nhũng hay không. Một sự gắn bó mạnh mẽ với Nhà nước làm cho các hành vi tham nhũng ít có khả năng xảy ra; trong khi gắn bó chặt chẽ với các nhóm thân tộc khiến tham nhũng có nhiều khả năng hơn.
 
Những việc cần làm
 
Các nỗ lực chống tham nhũng cần tập trung vào cải thiện việc phát hiện các giao dịch tham nhũng - cho dù đó là hối lộ hay gia đình trị, chủ nghĩa thân hữu - bởi điều này sẽ ngăn chặn được hành vi phạm tội.
 
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức để làm tăng số người sẵn sàng tố cáo tham nhũng.
 
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 3 điều để xem xét thực hiện nhằm chống tham nhũng hiệu quả.
 
Thứ nhất, cấu trúc chống tham nhũng có thể được thiết kế lại để cấp cho lực lượng cảnh sát một vai trò quan trọng. Cảnh sát có khả năng xây dựng một mạng lưới tình báo khắp cả nước. Họ có mặt ở mọi thành phố và mạng lưới tình báo của họ có thể giúp phát hiện các nỗ lực che giấu sự giàu có nhờ tham nhũng. Họ cũng cung cấp cho công dân các kênh để dễ dàng tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, để nâng cao vai trò chống tham nhũng cho cảnh sát, đòi hỏi phải có sự đào tạo, tuyển dụng nguồn lực tốt hơn và cách ly họ khỏi ảnh hưởng của đảng phái chính trị.
 
Thứ 2, đảo ngược logic trong các nỗ lực phát hiện tham nhũng trong mua sắm. Hiện nay, người ta cho rằng, các giao dịch mua sắm là “sạch sẽ” cho đến khi có bằng chứng tham nhũng xuất hiện. Điều đó cần phải thay đổi bằng cách áp dụng logic được sử dụng để sàng lọc an ninh ở sân bay: Giả định mọi hoạt động mua sắm công đều bị tham nhũng cho đến khi được chứng minh là “sạch sẽ”, và không nên tiến hành cho đến khi nó trải qua một quá trình kiểm tra minh bạch. Các quy trình, thủ tục của hội đồng mua sắm, bao gồm cả lý do dẫn tới các quyết định mua sắm, đều nên được ghi lại dưới dạng các video và công khai.
 
Thứ 3, kiểm tra sự liêm chính một cách định kỳ đối với các quan chức sẽ tăng khả năng phát hiện các nguy cơ. Điều này có thể được thực hiện nhằm vào nhóm các quan chức cụ thể mà các khiếu nại về tham nhũng chưa đủ để truy tố hình sự. Việc kiểm tra sự liêm chính cũng có thể được tiến hành ngẫu nhiên và nhắm vào những kẻ phạm tội tiềm năng.
 
Các biện pháp can thiệp chống tham nhũng cũng cần phải là một phần của những cải cách có quy mô lớn để xây dựng tính pháp lý, theo Tiến sỹ Tư pháp Tankebe. 

Hoài Phương