Tham nhũng đã trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của bối cảnh chính trị Iraq sau cuộc chiến tranh lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003.

Iraq xếp hạng 157 trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, đánh giá mức độ tham nhũng khu vực công, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố cuối tháng 1/2023.

Phát biểu tại Hội nghị Đối thoại Baghdad, Thủ tướng Al Sudani nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự thụt lùi hoặc thất bại nào có thể dẫn đến việc bòn rút tiền của người dân vì lợi ích cá nhân hoặc đảng phái. Tài sản quốc gia là của tất cả người dân Iraq”.

Cũng theo nhà lãnh đạo Iraq: “Tất cả điều đó phụ thuộc vào quyết tâm của chúng ta trong việc chống lại đại dịch tham nhũng”.

Ông mô tả cuộc chiến chống tham nhũng là “trận chiến lớn nhất” và cảnh báo rằng, nếu “bỏ bê nó, chúng ta sẽ thua những trận chiến khác”.

Tham nhũng đã cản trở nỗ lực phục hồi của Iraq sau nhiều thập kỷ chiến tranh và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc được áp đặt dưới thời Saddam.

Vào năm 2021, cựu Tổng thống Barham Salih ước tính, Iraq mất 150 tỷ USD do tham nhũng kể từ năm 2003.

Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại Iraq Jeanine Hennis-Plasschaert đã mô tả nạn tham nhũng ở nước này là "tràn lan, có tổ chức và có tính hệ thống".

Bà Hennis-Plasschaert cảnh báo, “nếu không giải quyết được nạn tham nhũng thì bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy cải cách nghiêm túc cũng sẽ không thành công. Đây thực sự là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn, bế tắc của Iraq cho đến nay”.

Kể từ cuối năm ngoái, 2 vụ bê bối tham nhũng đã làm rúng động cả nước.

Bê bối thứ nhất, một cựu bộ trưởng đã tiết lộ rằng 3,7 nghìn tỷ dinar Iraq (khoảng 2,5 tỷ USD) đã bị cơ quan thuế biển thủ trong hành vi được truyền thông trong nước mô tả là "vụ trộm cắp của thế kỷ".

Các quan chức Chính phủ cấp cao và doanh nhân đã bị bắt, nhưng chưa đến 10% số tiền đã được hồi hương.

Trong vụ bê bối thứ hai, Cơ quan An ninh Quốc gia đã bắt giữ một mạng lưới tội phạm hút dầu thô từ các đường ống ở những vùng xa xôi ở miền Nam Iraq và buôn lậu ra khỏi khu vực.

Tại đó, một số quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ và các sĩ quan tình báo bị cáo buộc có liên quan.

Những cam kết chống tham nhũng nêu trên của Thủ tướng Al Sudani được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này kỷ niệm 20 năm kể từ sau chiến tranh lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003, Iraq đã có Chính phủ mới, nhưng lại phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế, môi trường, an ninh và chính trị.

Mặc dù đa số người Iraq hoan nghênh việc lật đổ Saddam, nhưng họ đổ lỗi cho giới tinh hoa chính trị về tham nhũng, bất bình đẳng kinh tế và chủ nghĩa bè phái.

Sự tức giận của công chúng đối với các dịch vụ công yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp cao và an ninh xuống cấp đã dẫn đến một loạt các cuộc biểu tình kể từ năm 2003, lên đến đỉnh điểm vào tháng 10/2019.

Sau đó, các cuộc biểu tình do thanh niên lãnh đạo buộc Chính phủ phải từ chức và Quốc hội thông qua luật bầu cử mới cho phép các ứng cử viên độc lập giành ghế trong Quốc hội.

Ít nhất 560 người Iraq và các nhân viên lực lượng an ninh đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, trong khi hàng chục nghìn người bị thương...

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Al Sudani đã trấn an những lo ngại của người dân Iraq.

Ông cho biết: “Chính phủ đã vạch ra một chương trình đầy tham vọng và toàn diện cho sự tiến bộ của Iraq"; đồng thời nhấn mạnh, mục tiêu chính của Chính phủ là “khôi phục niềm tin của người dân đã bị ảnh hưởng do hoạt động kém hiệu quả, những lời hứa không được thực hiện và thiếu những thành tựu”.

leftcenterrightdel
 Lính Mỹ đứng gác tại một mỏ dầu của Iraq tháng 4/2003. Ảnh: Hải quân Mỹ

Cách đây tròn 20 năm, vào rạng sáng 20/3/2003, Mỹ bắt đầu không kích Thủ đô Baghdad của Iraq, mở màn cho chiến dịch tấn công chống lại chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein với lý do Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Song, vũ khí hủy diệt hàng loạt không được tìm thấy, chỉ có chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ, còn Iraq trở thành một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh và đến nay vẫn chưa thể chữa lành.

Sau 20 năm, Thủ đô Baghdad giờ đã khác. Những làn sóng bạo lực phe phái và các vụ đánh bom đã gần như biến mất. Tuy nhiên, đất nước này vẫn còn khó khăn bởi sự đối đầu giữa các phe phái, tình trạng tham nhũng và nghèo đói. 

Hoài Phương