Thanh tra tỉnh Yên Bái cho biết, 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 25 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực; trực tiếp ban hành 95 văn bản triển khai, thực hiện về công tác PCTN, tiêu cực.

Đồng thời, thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh đánh giá, chấm điểm, báo cáo công tác PCTN năm 2023, gửi Thanh tra Chính phủ đảm bảo nội dung, thời gian theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện 5 cuộc kiểm tra việc công khai, minh bạch; 2 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 34 cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, chưa phát hiện đơn vị, cá nhân vi phạm.

Các sở, ban, ngành, địa phương đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 52 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024, Thanh tra tỉnh đã xác minh và kết luận 33 người theo quy định. Qua xác minh đã kết luận 33 người có hạn chế, sai sót như: ghi phương thức kê khai không đúng, kê khai chưa đảm bảo theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, thiếu chính xác về số liệu. Không có người nào bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng TCVN ISO 9001 trong quản lý hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết công việc và có tác dụng ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, nhất là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…

Đánh giá về công tác PCTN, Chánh Thanh tra tỉnh Yên Bái Nguyễn Kiều Phương cho biết, Thanh tra tỉnh luôn xác định công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, vì vậy, Thanh tra tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu, giúp UBND tỉnh tăng cường quản lý Nhà nước đối với nhiệm vụ này.

Kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực.

Qua đó, nhận thức của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức về PCTN, TC được nâng lên, nhất là việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: Công tác đấu tranh, phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

Công tác tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị để phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao.

Một số cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo về công tác PCTN, tiêu cực; nội dung, số liệu báo cáo chưa đảm bảo yêu cầu; báo cáo gửi còn chậm, phải đôn đốc bằng nhiều hình thức khác nhau.

Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị có lúc chưa quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác PCTN, tiêu cực.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn hạn chế; còn thờ ơ, ngại đấu tranh, ít tham gia đóng góp ý kiến phản ánh hành vi tham nhũng, tiêu cực gây khó khăn cho công tác phát hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thời gian tới, Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Tham mưu giúp UBND tỉnh tiếp tục, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác PCTN, tiêu cực của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có)…

Bùi Bình