Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Phó Thanh tra thành phố Vũ Anh Thư cho biết: Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực của thành phố Hải Phòng đã đạt nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, tăng thêm niềm tin của Nhân dân đối với chế độ, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Năm 2022, chỉ số đánh giá công tác PCTN thành phố Hải Phòng tăng 3 bậc so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 17/63 cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn một số hạn chế như: Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, tiêu cực chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự đi sâu vào nhận thức và hành động của công chức, viên chức và người lao động. Công tác tham mưu, tự kiểm tra, rà soát còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra; kết quả chuyển đổi vị trí việc làm chưa cao, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn lúng túng, hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về tài sản phải kê khai…

Hội nghị tập huấn “kỹ năng công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng tiêu cực trong các cơ quan Nhà nước” là thực sự cần thiết nhằm mục đích bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác PCTN, tiêu cực cho cán bộ, công chức các sở, ngành, UBND các quận, huyện, xã phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Việc tiếp thu, nghiên cứu các nội dung được đề cập trong hội nghị góp phần giúp các đơn vị thực hiện tốt hơn công tác ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chánh Thanh tra thành phố đề nghị các đại biểu tập trung lĩnh hội nội dung, đồng thời, tranh thủ trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để được tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thuý trực tiếp giải đáp, đảm bảo việc triển khai công tác phòng ngừa tham nhũng được đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng Khoa Nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN, Trường Cán bộ Thanh tra thông tin một số quy định công tác phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: KT 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thuý, Trưởng Khoa Nghiệp vụ giải quyết khiếu, tố cáo và PCTN đã giải đáp và thông tin một số quy định công tác phòng ngừa tham nhũng: Tham nhũng và các hành vi tham nhũng được Luật PCTN năm 2018 đã được ban hành phù hợp với quan niệm phổ biến của cộng đồng quốc tế, tại Khoản 1 Điều 3 Luật PCTN 2018, tham nhũng gồm 3 yếu tố, thiếu một trong 3 yếu tố này thì không thể coi hành vi đó là hành vi tham nhũng cho dù nó có thể cấu thành một hành vi vi phạm pháp luật khác, cụ thể: Yếu tố thứ nhất, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn. Yếu tố thứ hai, có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thực hiện hành vi tham nhũng. Yếu tố thứ ba, tham nhũng là hành vi có mục đích vụ lợi.

Điểm mới quan trọng của Luật PCTN 2018 so với Luật PCTN 2005 là bước đầu mở rộng chủ thể của tham nhũng sang khu vực ngoài Nhà nước. Điều 2, Luật PCTN 2018  có 12 hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước và có 3 hành vi khu vực ngoài Nhà nước. Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Kim Thành