Công tác tuyên truyền, phổ biến được thực hiện sâu rộng; các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức 652 hội nghị, lớp tập huấn với 125.354 lượt người tham dự; phát hành 31.457 tài liệu, ấn phẩm để phổ biến, tuyên truyền; đăng tải 380 tin, bài, phát sóng 194 chuyên mục tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực và bảo vệ người TC; hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị và những nội dung của Luật Tiếp công dân, Luật TC.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về bảo vệ người TC được quan tâm thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã ban hành 830 văn bản để cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), TC và bảo vệ người TC. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trả thù, trù dập người TC.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.865 đơn TC, phản ánh, liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó có 18 người TC có yêu cầu được bảo vệ, các cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp bảo vệ đối với 17 người, xác minh 1 yêu cầu được bảo vệ của người TC là không có căn cứ.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về việc bảo vệ người TC được thực hiện đúng quy định.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh đã thực hiện 21 cuộc kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTN, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết KNTC và bảo vệ người TC.

Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiến hành 18 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 18 huyện, thị xã, thành phố; ủy ban kiểm tra các cấp, các tổ chức thanh tra đã thực hiện 479 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết KNTC và bảo vệ người TC tại 495 cơ quan, đơn vị.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và bảo vệ người TC được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 338 thanh tra viên, 145 công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên. Các xã, phường, thị trấn bố trí công chức địa chính, tư pháp hoặc văn phòng làm nhiệm vụ tiếp công dân kiêm nhiệm; 100% cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu xử lý đơn thư, giải quyết KNTC có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trình độ lý luận trung cấp chính trị trở lên, nhiều công chức được đào tạo chuyên ngành luật và thường xuyên được bồi dưỡng về nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị chưa sát với tình hình thực tiễn. Việc xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ người TC của một số cơ quan chức năng còn chậm; một số cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu xử lý đơn thư, xác minh, giải quyết TC chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ người TC, nhất là việc giữ bí mật thông tin người TC.

Một bộ phận công dân chưa nhận thức đúng, vẫn sợ bị trả thù, trù dập, nên khi làm đơn TC không ghi rõ thông tin cá nhân, vẫn còn tình trạng lợi dụng quyền tự do, dân chủ, quyền KNTC làm đơn mạo danh, nặc danh để TC cán bộ không đúng sự thật...

Văn Thanh