Tại buổi làm việc, ông Han Sam Súk đã khái quát về tình hình thực hiện chính sách chống tham nhũng của ACRC.

Tại Hàn Quốc có 5 đạo luật liên quan đến PCTN, đó là: Luật của ACRC về PCTN, Luật Bảo vệ người tố cáo, Luật Thu hồi tài sản công, Luật Chống tham nhũng và hối lộ, Luật Phòng ngừa xung đột lợi ích. Bên cạnh đó còn có Quy tắc ứng xử của thành viên HĐND.

Ông Han Sam Súk cho biết, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Hàn Quốc theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã tăng trong 5 năm liên tiếp và đạt mức cao nhất 62/100 điểm vào năm 2021, đứng thứ 32/180 quốc gia; chỉ số liêm chính khu vực công (IPI năm 2021 do Trung tâm Nghiên cứu châu Âu về chống tham nhũng và xây dựng nhà nước (ERCAS) công bố cho thấy, Hàn Quốc xếp thứ 18/114 quốc gia và đứng thứ nhất trong các quốc gia châu Á, xếp hạng cao nhất từ trước đến nay.

Tại Hàn Quốc, hàng năm sẽ thực hiện đánh giá mức độ liêm chính của các tổ chức công và các khu vực dễ xảy ra tham nhũng nhằm thúc đẩy các nỗ lực chủ động chống tham nhũng của các tổ chức công.

Đồng thời, thực hiện phát triển một hệ thống đánh giá mà công chúng có thể hiểu rõ, từ đó dẫn đến sự thay đổi trong bộ máy công chức. Theo đó, thiết lập và áp dụng hệ thống đánh giá toàn diện mức độ liêm chính; mở rộng và hệ thống hóa các mục tiêu đánh giá toàn diện với 500 hạng mục đánh giá mỗi năm.

Cải thiện các hạng mục và phương pháp đánh giá mức độ cảm nhận; cố gắng, áp dụng chỉ số đánh giá tùy chỉnh; tăng cường đánh giá tình trạng tham nhũng và các biện pháp trừng phạt đối với hành vi gây tổn hại đến độ tín nhiệm.

Về mô hình đánh giá mức độ liêm chính, có 3 mức độ: Mức độ cảm nhận liêm chính khảo sát dành cho các công chức nhà nước và đối tượng liên quan đến công tác tiếp dân và với các cơ quan khác.

Cụ thể, thực hiện không công bằng, vi phạm pháp luật và các quy định (xử lý công việc theo yêu cầu một cách bất chính, đối xử đặc biệt do có quan hệ cá nhân hoặc tư lợi, ra lệnh làm việc bất hợp pháp hoặc làm giảm sự công bằng trong việc thực hiện công việc); lạm dụng quyền hạn của công chức đưa ra các yêu cầu vô lý, ra lệnh, từ chối… trong quá trình làm việc ngoài cơ quan, theo đuổi lợi ích cá nhân thông qua các hoạt động thương mại liên quan đến công việc hoặc thông tin, sử dụng ngân sách bất hợp pháp và không phù hợp.

Về mức độ nỗ lực liêm chính, đánh giá định lượng và định tính hiệu quả hoạt động bằng chỉ số đánh giá, đánh giá hiệu quả chính sách…

ACRC là cơ quan đối tác có ký thỏa thuận hợp tác với TTCP từ năm 2013. Hai cơ quan đã có nhiều hoạt động trao đổi đoàn, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về công tác PCTN trong thời gian qua.

Năm 2016, thông qua UNDP, ACRC đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện thí điểm đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh theo mô hình Hàn Quốc. Đến nay việc đánh giá công tác PCTN đã được quy định trong Luật PCTN năm 2018. 

Việc sử dụng kết quả đánh giá liêm chính này sẽ được các tổ chức ở mỗi cấp được đánh giá tính liêm chính toàn diện công bố kết quả trên trang web (trong vòng 14 ngày sau khi công bố kết quả, chậm nhất là 1 tháng).

Đồng thời, sử dụng để tự phân tích và cải thiện các lĩnh vực còn yếu kém thông qua việc nhận báo cáo của từng cơ quan được phân tích tổng hợp về mức độ cảm nhận liêm chính, mức độ nỗ lực liêm chính và tình trạng tham nhũng.

Ngoài ra, các tổ chức liêm chính ưu tú được khen thưởng cho tổ chức và cá nhân; hỗ trợ thiết lập và thực hiện các chiến lược chống tham nhũng hiệu quả thông qua việc tư vấn của các tổ chức ưu tú cho các tổ chức còn yếu kém và các chính sách chống tham nhũng ưu tú được phổ biến để các tổ chức ở mỗi cấp có thể đánh giá tiêu chuẩn thông qua việc công bố trên cổng thông tin liêm chính, phân phối thông cáo báo chí và phát hành sổ tay giới thiệu trường hợp điển hình.

Thông tin toàn diện về mức độ liêm chính cho từng tổ chức công được tổng hợp tại một chỗ, dễ tìm, dễ hiểu; tăng cường khuyến khích cho các nỗ lực chống tham nhũng và tăng cường chấp nhận các kết quả đánh giá.

Hỗ trợ các tổ chức ở các cấp thực hiện các chính sách PCTN nghiêm minh, hiệu quả và đi đầu trong việc nâng cao tính liêm chính của quốc gia.

Về phía Việt Nam, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục PCTN đã giới thiệu chung về đánh giá công tác PCTN tại Việt Nam. Khẳng định, đo lường đánh giá công tác PCTN là nội dung quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước về PCTN. Tuy nhiên, Luật PCTN 2005, việc tổ chức đánh giá công tác PCTN tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thiếu khả thi.

Đến năm 2016, Việt Nam đã thí điểm đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh giai đoạn 2016-2019 với phương pháp là cấp tỉnh tự đánh giá, TTCP rà soát, kiểm tra kết quả tự đánh giá, tổng hợp và xây dựng báo cáo toàn quốc. TTCP ban hành Bộ Chỉ số đánh giá hàng năm.

Ông Tuyển cũng cho biết, một số kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt việc đánh giá công tác PCTN trong thời gian tới như: Hoàn thiện Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTN (PACA Index) khách quan, trung thực; xây dựng tài liệu hướng dẫn tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình đồ nghiệp vụ; khắc phục các công đoạn thu thập số liệu tài liệu chứng minh, rà soát, kiểm tra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu; nâng cao vai trò người đứng đầu, đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản; bố trí nguồn nhân lực phù hợp, tương xứng để nâng cao hiệu quả đánh giá công tác PCTN.

Kết thúc buổi làm việc, 2 cơ quan đã có những trao đổi để đạt được kết quả cao nhất trong việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về công tác PCTN.