Từng bước khẳng định vị thế, chủ động trong cơ chế hợp tác PCTN

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc gia thành viên, đặc biệt là việc thực hiện nội luật hóa và thực hiện cơ chế đánh giá, thực thi UNCAC đạt được nhiều kết quả tích cực, có hiệu quả, từng bước khẳng định vị thế, sự đóng góp chủ động của mình trong cơ chế hợp tác quan trọng này. 

Ông Trần Văn Mây, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, trong cả hai chu trình thực hiện (năm 2011 - đánh giá Chu trình I đối với Chương III về hình sự hóa và thực thi pháp luật và Chương IV về hợp tác quốc tế; năm 2017 - đánh giá chu trình II đối với Chương II về các biện pháp phòng ngừa và Chương V về thu hồi tài sản), Ban Thư ký Công ước và các chuyên gia nước ngoài đều ghi nhận quá trình triển khai nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, đặc biệt là việc chuẩn bị báo cáo tự đánh giá và tổ chức các hoạt động đánh giá thực địa về kết quả việc thực thi UNCAC của Việt Nam.

Các thành viên của tổ công tác liên ngành UNCAC của Việt Nam phải thu thập thông tin, nghiên cứu, xây dựng báo tự đánh giá việc thực thi UNCAC của Việt Nam; cung cấp thông tin và tài liệu bổ sung báo cáo tự đánh giá cho Ban Thư ký UNCAC và các chuyên gia đánh giá; phối hợp cùng Ban Thư ký và các chuyên gia đánh giá quốc tế tiến hành đánh giá tại Việt Nam. Cuối cùng là điều chỉnh, hoàn thiện các báo cáo tóm tắt và Báo cáo đầy đủ kết quả đánh giá việc thực thi UNCAC của Việt Nam sau khi có phản hồi và nhận xét từ phía các quốc gia đánh giá.

Trong chu trình đầu tiên, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất việc chuẩn bị báo cáo tự đánh giá và hoàn tất các hoạt động đánh giá. Bản tóm tắt và bản đầy đủ của báo cáo đánh giá quốc gia về việc thực thi Công ước của Việt Nam đã được đăng tải toàn văn trên Cổng Thông tin điện tử của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC).

“Kết quả đánh giá trong chu trình đầu tiên (giai đoạn 2010 - 2012) là thông tin quan trọng giúp TTCP và các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong quá trình sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự (2015 và 2017) và Luật PCTN (2018)”, ông Mây nói.

leftcenterrightdel
Từ ngày 11-15/12/2023, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn đã tham dự Hội nghị Các quốc gia thành viên UNCAC lần thứ 10 tại  Atlanta, Hoa Kỳ. Ảnh: Thu Trang

Đối với chu trình thứ hai, do ảnh hưởng của đại dịch Covid, việc thực hiện các hoạt động đánh giá thực thi bị chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Theo thống kê của Ban Thư ký UNCAC, tính tới tháng 9/2023, mới chỉ có 60 quốc gia hoàn tất các báo cáo chu trình 2, 80 quốc gia thành viên đang hoàn thành báo cáo quốc gia, 42 quốc gia chưa có thông tin về tiến độ hoàn thành.

 Việt Nam thuộc nhóm 80 quốc gia đang hoàn thành báo cáo quốc gia, các hoạt động đánh giá thực thi đối với Việt Nam đã hoàn tất, báo cáo tóm tắt đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của UNODC và hiện đang gấp rút phối hợp với Ban Thư ký để nộp báo cáo toàn văn cuối cùng bằng tiếng Anh. Kết quả đánh giá của chu trình hai cũng hi vọng sẽ đưa ra những khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam nói chung và TTCP cùng các cơ quan hữu quan của Việt Nam nói riêng trong công PCTN, tiêu cực giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, hơn 10 năm qua, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia thành viên rất tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ thành viên, cử các chuyên gia chính phủ tham gia các đoàn đánh giá đối với quốc gia khác.

Trong chu trình đầu tiên, Việt Nam đã 2 lần tham gia đánh giá đối với Cộng hòa Áo vào năm 2011 và Trung Quốc vào năm 2015, trong đó, đánh giá Trung Quốc là một trong những cuộc đánh giá được Ban Thư ký UNCAC đánh giá là phức tạp và có khối lượng công việc lớn nhất trong các hoạt động đánh giá trong khuôn khổ UNCAC.

Trong chu trình thứ hai, Việt Nam tham gia đánh giá đối với Quốc đảo Sô-lô-mông năm 2017 và gần đây nhất là đánh giá Cộng hòa Áo (lần 2) năm 2020.

leftcenterrightdel
 Năm 2022, TTCP đã tổ chức Hội nghị Đánh giá thực địa việc thực thi UNCAC của Cộng hoà Áo theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TH

Thông qua các cuộc đánh giá của cả hai chu trình, các chuyên gia Chính phủ của Việt Nam đã khẳng định được về năng lực chuyên môn và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, đặc biệt là trong lần đánh giá Trung Quốc khi các chuyên gia Việt Nam giữ vai trò chủ trì cùng các chuyên gia của Ban Thư ký Công ước và Ba-ha-mát thực hiện. Kết quả làm việc của các chuyên gia chính phủ Việt Nam đã được các đối tác, các quốc gia thành viên khác và Ban Thư ký Công ước ghi nhận; qua đó góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong các diễn đàn hợp tác đa phương.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia tham gia đánh giá thực thi Công ước

Suốt quá trình thực hiện cơ chế đánh giá, thực thi Công ước trong hai chu trình qua, TTCP với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện UNCAC đã nhận được sự phối hợp, ủng hộ rất tích cực của các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt trong việc phối hợp xây dựng báo cáo tự đánh giá và tham gia thực hiện hoạt động đánh giá đối với các quốc gia.

Đánh giá công tác thực thi và đánh giá việc thực thi UNCAC là nhiệm vụ mang nặng tính chuyên môn, kỹ thuật, đòi hỏi không chỉ khả năng am hiểu về pháp luật quốc tế nói chung mà cả sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tường tận hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, đặc biệt là về PCTN nói riêng của quốc gia được đánh giá.

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng phải sử dụng thành thạo tiếng Anh trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ bộ, ngành đều hoàn toàn kiêm nhiệm, do đó, để đảm đương công việc này, đòi hỏi dành nhiều thời gian, công sức và nỗ lực cũng như tinh thần trách nhiệm rất cao, để phối hợp rất hiệu quả với TTCP trong suốt quá trình vừa qua. Điều đó khẳng định sự đồng hành hiệu quả và tích cực từ các cơ quan hữu quan đã dành cho công tác đánh giá thực thi UNCAC và TTCP nói riêng, dành cho công cuộc chống tham nhũng quốc gia của Việt Nam nói chung.

leftcenterrightdel
Sự tham gia của các thành viên tổ công tác, nhóm chuyên gia đến từ các cơ quan, bộ ngành được TTCP ghi nhận và đánh giá cao. Trong ảnh: Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đánh giá thực thi UNCAC. Ảnh: TH

Sự tham gia một cách tích cực, có chất lượng hiệu quả của các thành viên của tổ công tác, nhóm chuyên gia đến từ các cơ quan, bộ ngành khác nhau trong quá trình thực hiện cơ chế đánh giá thực thi UNCAC đã mang tới những cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan; từ đó, giúp các chuyên gia hiểu biết thêm về quy trình, quy định pháp luật cũng như thực tiễn triển khai hoạt động của các cơ quan, đơn vị khác, giúp tăng cường hiệu quả cho công tác chuyên môn. Đồng thời, việc tham gia các hoạt động đánh giá thực thi UNCAC cũng đem lại những bài học quý giá, cơ hội cọ xát, học tập và nâng cao năng lực cho các thành viên trong quá trình làm việc với các đồng nghiệp quốc tế” - ông Mây cho biết.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện cơ chế đánh giá, thực thi Công ước cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp hoàn thiện hoặc tăng cường trong thời gian tới như: Chú trọng xây dựng năng lực thực thi Công ước cho đội ngũ công chức, chuyên gia và các cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời cần đảm bảo nâng cao năng lực hơn nữa cho đội ngũ chuyên gia tham gia đánh giá thực thi.

Mặt khác, thực tiễn triển khai công tác đánh giá thực thi hai chu trình vừa qua gặp những khó khăn do hạn chế về vấn đề kinh phí, dẫn đến, thiếu các điều kiện và chế độ đãi ngộ tốt cho các chuyên gia, ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu suất và chất lượng công việc.

“Đặc biệt cần có sự quan tâm, nhận thức đúng, chủ động hơn của các cấp, các ngành và cả người dân về vị trí, vai trò của Công ước nói chung và công tác đánh giá thực thi Công ước nói riêng trong quá trình hoàn thiện và thực thi pháp luật về PCTN. Đây có thể coi là điểm mấu chốt để đẩy mạnh công tác đánh giá thực thi Công ước” - ông Mây nhấn mạnh.

Thái Hải