3.9. Phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho lãnh đạo và người lao động tại các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Các doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quy định về biện pháp công khai, minh bạch trong hoạt động; về kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.

Thanh tra tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện quy định của pháp luật về PCTN; tiến hành đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước.

3.10. Phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát và giải quyết đơn phản ánh, tố cáo tham nhũng; tiếp nhận thông tin về tham nhũng

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, các hành vi tham nhũng nói riêng.

Phân loại, theo dõi riêng đối với đơn thư, phản ánh có nội dung; tố cáo liên quan đến tham nhũng ngay từ khâu tiếp nhận và quá trình giải quyết làm cơ sở để đánh giá, chấm điểm.

Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định; không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo... mới chuyển hồ sơ vụ việc.

Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh; các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao khả năng phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định khi tiếp nhận thông tin về tham nhũng và phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động giám sát.

3.11. Xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân

Quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính về tham nhũng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, các sở, ngành và UBND các cấp thực hiện xử lý theo quy định hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng; nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chuyển nội dung kết luận vi phạm về tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức để xem xét, xử lý kỷ luật hành chính đối với các cá nhân có sai phạm theo quy định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu kéo dài thời gian xem xét, xử lý, để hết thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định.

3.12. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng

Khi có kết quả xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng của các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

3.13. Thu hồi tiền, tài sản tham nhũng

Triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đã nêu trong Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 14/01/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 08/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cụ thể:

- Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, các cơ quan hành chính Nhà nước cần sử dụng kịp thời biện pháp hành chính để thu hồi ngay tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng gây ra. Đồng thời, văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, làm cơ sở để xử lý thu hồi.

- Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và Thi hành án dân sự cần tích cực áp dụng biện pháp thu hồi tiền, tài sản tham nhũng trong từng khâu của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Vận động đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền, tài sản; sử dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, cưỡng chế thi hành án,... để đảm bảo thu hồi triệt để tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các biện pháp cụ thể để nâng cao điểm số đánh giá công tác PCTN; định kỳ báo cáo về Thanh tra tỉnh để tổng hợp cùng với báo cáo công tác PCTN 6 tháng, báo cáo năm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu kết quả chấm điểm thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị đạt thấp, làm ảnh hưởng đến điểm số và vị trí xếp hạng của Tỉnh.

2. Giao Thanh tra tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.