(Tiếp theo kỳ trước)

 4. Trong quản lý, sử dụng tài sản công

a) Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất nhằm bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm.

c) Quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan. Việc thực hiện quản lý, bảo trì, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá; số thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước phải nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước và được ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước cho mục đích đầu tư và phát triển theo quy định của pháp luật.

d) Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng định mức, tiêu chuẩn và chế độ quy định nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua mạng đấu thầu quốc gia. Hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; đẩy mạnh thực hiện khoán kinh phí sử dụng tài sản công theo quy định.

đ) Quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn nhằm phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản. Kiên quyết chấm dứt, thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Việc quản lý số tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định của pháp luật.

e) Tăng cường quản lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước, đẩy mạnh việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Thực hiện xử lý kịp thời tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước sau khi dự án kết thúc theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát, lãng phí tài sản.

 5. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên

a) Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực kinh tế, tài chính từ đất đai cho phát triển kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, sai kế hoạch sử dụng đất, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định.

b) Thực hiện nghiêm các chủ trương của Trung ương, của tỉnh trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; cân đối giữa khai thác và dự trữ khoáng sản, phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản. Giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt công suất, phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường. Từng bước xây dựng hệ thống kiểm soát hoạt động khoáng sản bằng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam.

c) Tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì độ che phủ của rừng.

d) Tăng cường quản lý và khai thác bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

đ) Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm năng lượng; xử lý triệt để các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các nguồn xả thải; tập trung xử lý rác thải đô thị, nông thôn, nhân rộng mô hình xử lý rác thải hiệu quả, bền vững; đảm bảo khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; kịp thời ngăn chặn và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn.

 6. Trong quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách

a) Tăng cường quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách theo quy định để đảm bảo phù hợp quy định pháp luật về ngân sách Nhà nước và đầu tư công; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

b) Rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức, hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của quỹ.

c) Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.

 7. Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp

a)  Thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, trong đó tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.

b) Rà soát, xử lý các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước.

 8. Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động

a) Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

b) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng suất lao động theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tăng năng suất lao động quốc gia.

c) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về chương trình chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2768/QĐ-UBND ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”.

 9. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân

a) Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác THTK, CLP để ổn định đời sống, phát triển sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai…

b) Việc tổ chức các lễ hội và các hoạt động khác có sử dụng nguồn lực đóng góp của nhân dân hạn chế tối đa và đảm bảo tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh, không gây lãng phí.

(Còn nữa)