Loạt bài này sẽ nhắc lại những “trận đánh then chốt”, bài học về chiến thuật, chiến lược và kiến nghị các “phương thức tác chiến” mới trên mặt trận nóng bỏng này, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Không phải bây giờ mới có tham nhũng mà vấn nạn này đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn nạn này cũng đã vắt qua nhiều thế kỷ.

Thói đáng ghét nhưng vẫn tồn tại

Theo định nghĩa của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) thì tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. 

Lịch sử thế giới đã ghi nhận, không phải bây giờ mới có tham ô, tham nhũng mà vấn nạn này đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, ngay từ thủa xa xưa, ông cha ta đã ghét thói tham ô, tham nhũng và có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phê phán tệ nạn này. Bức tranh dân gian Đông Hồ “Trạng Chuột vinh quy” (hay còn gọi là “Đám cưới chuột”) là một ví dụ. Nhân vật chính  trong tranh là chuột (đã đỗ Trạng nguyên) “vinh quy” có “ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau”. Thế nhưng nhân vật to nhất (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) trong tranh lại là con mèo. Những con chuột đi đầu “dâng” đến mèo những thức ăn ngon như bồ câu, cá chép thì mèo cũng không có biểu hiện hành động gì. Nó coi như đấy là chuyện đương nhiên, thường tình. Nhìn cách “ứng xử” này, người ta sẽ đoán mèo sẽ không “vồ” chuột như theo quy luật tự nhiên nữa, mà sẽ để cho “đám vinh quy” (đám cưới) này đi qua. Vì nó đã được “cống” những thứ kia...

Truyện dân gian “Nhưng nó còn bằng hai mày” kể về hai chàng nông dân tên là Cải và Ngô, chỉ vì một xô xát nhỏ nhưng lại đưa nhau đến kiện nơi “cửa quan” (mà nghe đồn là người xử kiện giỏi nhất vùng). Cải nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” bèn đút thầy Lý (người xử kiện) 5 đồng để mong được “xử thắng”. Thế nhưng giữa chốn công đường trang nghiêm, mà “thầy” lại xử đánh Cải 10 roi. Cải nghĩ “thầy” quên mình đã nhận tiền, liền xòe 5 ngón tay phải ra ý nhắc “thầy” đã đưa 5 đồng và “thầy” đã hứa sẽ xử phải cho mình. “Quan xử” ngang nhiên xòe 5 ngón tay trái của mình úp lên 5 ngón tay của Cải và nói: “Tao biết mày phải. Nhưng nó còn “phải” bằng hai mày”. Thì ra “thầy” đã nhận tiền của Ngô gấp đôi của Cải.

Nhiều triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã nhận rõ sự nguy hại của nạn tham nhũng và có những quy định ngăn ngừa, nghiêm trị. Thời kỳ nhà Lý  (1009 - 1225), nhà vua đề ra những quy định khắt khe để ngăn ngừa, trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại. Năm 1043, vua  Lý Thái Tông đặt thêm quy định, ai trộm lúa của dân sẽ bị đánh 100 trượng; nếu không lấy được mà làm bị thương người khác sẽ bị tội lưu (tội đem đi nơi phương xa, suốt đời không được về). Quân lính lấy của cải của dân sẽ bị đánh 100 trượng và thích 30 chữ… 

Bộ luật Hồng Đức là bộ luật ra đời dưới thời vua Lê Thánh Tông có niên hiệu là Hồng Đức (1470-1497), đây là bộ luật chính thức của Nhà nước Đại Việt thời Lê sơ và hiện còn được lưu giữ đầy đủ. Theo Điều 138 của bộ luật này, nếu quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt tùy theo mức độ vi phạm như: Tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức; từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày; từ 20 quan trở lên bị xử chém. Đối với của hối lộ, một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho.

Tuy đã có nhiều chế tải xử lý, răn đe, nhưng vấn nạn tham ô, tham nhũng tại Việt Nam vẫn vắt qua nhiều thế kỷ và ngày càng biến tướng, tinh vi.

Tham nhũng ngày càng tinh vi, biến tướng

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Người đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, “là giặc nội xâm”, là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”.   

Trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với việc dồn sức, dồn lực chống giặc ngoại xâm, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu vẫn rất quan tâm đến công tác chống “giặc nội xâm”. Ngày 5/9/1950, tại chiến khu Việt Bắc đã diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu (Cục trưởng Cục Quân Nhu) ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều vi phạm đạo đức. 

Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình. Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Điều đó cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay,  tình trạng tham nhũng ở Việt Nam diễn ra với tính chất, mức độ khác nhau nhưng ngày càng tinh vi hơn, làm trì trệ sự phát triển của xã hội, là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (từ ngày 20 đến 25/1/1994) đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VIII của Đảng năm 1996 tiếp tục khẳng định bốn nguy cơ này vẫn còn tồn tại. Đến Đại hội IX của Đảng năm 2001 nhấn mạnh thêm: “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(1). Đại hội X của Đảng năm 2006 một lần nữa nêu quyết tâm: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(2).

Tháng 5/2012, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  đã thảo luận về  Đề án "Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng". Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Hội nghị đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.  

Ban Chấp hành Trung ương đẫ quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.  Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhận trọng trách là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, từ năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (sau đổi thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) đã tạo ra nhiều bước đột phá trong cuộc chiến chống “giăc nội xâm, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương,  trong 11 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hàng nghìn tổ chức Đảng, hàng trăm nghìn đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Ban Chấp hànhTrung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xử lý kỷ luật hàng trăm cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang./. 

Bài 2: Thanh tra xông pha nơi chiến trận

(1)Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 50

(2)Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 46

Đỗ Phú Thọ - Diệu Anh