Trước đó, ông Abdulrasheed Bawa là người được Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari chính thức đề cử.

EFCC là cơ quan hàng đầu của Nigeria về điều tra và truy tố tham nhũng. Trở thành lãnh đạo mới của EFCC, ông Abdulrasheed Bawa sẽ phụ trách một loạt cuộc điều tra cấp cao, bao gồm cả điều tra những hành vi sai trái của P&ID - một công ty khí đốt với phán quyết trọng tài trị giá 10 tỷ USD mà Nigeria đang nỗ lực lật tẩy.

Quyết định phê chuẩn đối với ông Abdulrasheed Bawa được đưa ra sau phiên họp toàn thể do Chủ tịch Thượng viện Ahmad Lawan chủ trì.

Tại buổi điều trần kiểm tra tư cách, ông Bawa đã trả lời các câu hỏi khác nhau từ khoảng 15 nhà lập pháp liên quan đến kinh nghiệm trong quá khứ, mối quan hệ với những người tiền nhiệm cũng như kế hoạch của ông cho vị trí mới được bổ nhiệm.

Theo đó, ông Abdulrasheed Bawa phủ nhận cáo buộc cho rằng ông đã bán các tài sản được thu hồi trong thời gian giữ vị trí đứng đầu Văn phòng EFCC tại thành phố Port Harcourt. Bên cạnh đó, ông Bawa khẳng định, có “mối quan hệ tốt với những người tiền nhiệm”.

Phát biểu trước các Thượng nghị sĩ, ông Bawa cho biết, 16 năm làm việc tại EFCC là khoảng thời gian giúp ông chuẩn bị tốt cho trọng trách hiện tại.

“Tôi đã có kinh nghiệm trong việc điều tra gian lận, rửa tiền, tham nhũng trong khu vực công và các vấn đề liên quan đến tội phạm tài chính khác”, ông Bawa nói.

Năm ngoái, Tổng thống Buhari đã đình chỉ công tác, chức vụ đối với Chủ tịch EFCC Ibrahim Magu, sau những cáo buộc cho rằng ông Magu đã chuyển hướng các khoản tiền mà cơ quan thu hồi vào túi cá nhân.

Trước những cáo buộc này, luật sư của ông Magu đã lên tiếng bác bỏ.

Nigeria đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ với nạn tham nhũng tràn lan. Năm ngoái, Chính phủ đã công bố kế hoạch thành lập một cơ quan quản lý tiền và tài sản được thu hồi trong nước hoặc từ nước ngoài trở về sau các cuộc điều tra chống tham nhũng, để ngăn chặn việc sử dụng tài sản sai mục đích.

Trong những năm gần đây, Nigeria được đánh giá là ít có sự tiến bộ trong công tác chống tham nhũng khu vực công. Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, điểm CPI (Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng) của quốc gia này có chiều hướng giảm trong 5 năm gần đây. Số điểm 28 (năm 2016) đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: Năm 2017, 2018 đạt 27 điểm, năm 2019 đạt 26 điểm, và năm 2020 đạt 25 điểm, xếp thứ 149/180 quốc gia (trong đó 1 là trong sạch nhất, 180 là tham nhũng nhất).

Ông Abdulrasheed Bawa, 40 tuổi, là Chủ tịch trẻ nhất của EFCC. Ông cũng là Chủ tịch EFCC đầu tiên mà nghề nghiệp trước đó không phải là cảnh sát.

Sau quyết định phê chuẩn, ông sẽ thay thế Mohammed Umar - người giữ vị trí quyền Chủ tịch EFCC kể từ khi Ibrahim Magu bị đình chỉ vì các cáo buộc tham nhũng vào năm 2020.

Theo hồ sơ lý lịch, trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch EFCC, ông Abdulrasheed Bawa đã có thời gian khoảng 16 năm công tác tại EFCC với tư cách là một thám tử.

Ông Abdulrasheed Bawa tốt nghiệp Đại học Usmanu Danfodio, Sokoto, với bằng Cử nhân Khoa học Kinh tế năm 2001. Ông gia nhập EFCC với tư cách là Trợ lý Giám đốc Thám tử (ADS) vào năm 2004.

Ông cũng có bằng thạc sĩ về ngoại giao và quan hệ quốc tế được nhận từ cùng một trường đại học vào năm 2012.

Hiện, ông đang theo học bằng cử nhân luật tại Đại học London.

Ông Abdulrasheed Bawa được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm điều tra và từng tham gia truy tố tội gian lận, tham nhũng, rửa tiền và các tội liên quan đến tội phạm kinh tế, tài chính khác.

Hoài Phương